Có chính sách thích hợp để điều chỉnh mức sinh phù hợp

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 588/QĐ-TTg về “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, với nội dung được dư luận quan tâm: khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi và sinh con sớm, sinh đủ 2 con. Bạn đọc đã góp ý kiến về việc có chính sách thích hợp để điều chỉnh mức sinh phù hợp. 
Tranh cổ động cho công tác dân số
Tranh cổ động cho công tác dân số

Tạo điều kiện cho các vợ chồng trẻ

Các số liệu thống kê cho thấy, TPHCM đang xếp trong nhóm 17 tỉnh thành có mức sinh thấp, do vậy trong tương lai tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Tổng tỷ suất sinh của người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TPHCM là 1,33 con - mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,1 con. Mục tiêu của “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” nhằm tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh thành có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh thành có mức sinh cao. Ngoài ra, chính sách này còn hướng đến việc đảm bảo chất lượng dân số, nguồn nhân lực, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước. 

Thực tế giới trẻ ngày nay có xu hướng kết hôn muộn hơn trước vì muốn kéo dài thời gian tận hưởng cuộc sống độc thân, coi trọng việc sống cho chính bản thân mình hơn. Có nhiều người nghĩ kết hôn là trách nhiệm với gia đình, chứ không phải với bản thân. Điểm chung ở người trưởng thành tại Việt Nam cũng như nhiều nước khác chính là công việc bận rộn, muốn theo đuổi con đường học vấn, tập trung tạo dựng sự nghiệp, lo ngại gánh nặng kinh tế, hoặc mất niềm tin vào hôn nhân. Đến tuổi 22, mới tốt nghiệp đại học, ai nấy đều phải lo kiếm việc làm, tìm cơ hội ở các công ty lớn, đãi ngộ cao. Lúc 25-26 tuổi, một số đã có việc làm tốt thì lại bị cuốn vào vòng xoáy công việc đến kiệt sức, không có thời gian dành cho việc kết hôn, sinh con. Đến khi tuổi đã ngoài 30, công việc ổn định, nhiều người đã quen với nhịp sống một mình, muốn thoải mái tận hưởng nhiều thú vui của bản thân hơn phải kết hôn.

Các cặp vợ chồng trẻ phải chịu nhiều áp lực tìm kiếm việc làm, kiếm tiền tạo dựng nhà ở và trang trải chi phí sinh hoạt, nên nhu cầu sinh con đang có xu hướng giảm nhanh. Ngoài ra, trình độ học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu, tâm lý thích dịch chuyển cũng có tác động nhất định đến mức sinh thấp. Tình trạng phá thai, tỷ lệ vô sinh nguyên phát, thứ phát có xu hướng gia tăng cũng là những yếu tố tác động khiến nhiều gia đình không thể sinh con. 

Thực ra việc kết hôn khi tuổi vẫn còn trẻ có nhiều mặt tích cực, cả hai sẽ có nhiều thời gian cùng nhau thích nghi cuộc sống mới, chuẩn bị vật chất, tinh thần để đón thêm thành viên mới. Sinh con trước 30 tuổi, bảo đảm tốt sức khỏe cả mẹ và con, người mẹ cũng dễ hồi phục, giữ được sự trẻ trung lâu. Có con càng sớm, khi đến lúc nghỉ hưu có thể an nhàn với cuộc sống, chứ không phải tất bật với cảnh cha mẹ già con mọn. Trong Quyết định 588/QĐ-TTg, Thủ tướng đã chỉ đạo thí điểm các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con như: ưu tiên mua nhà ở xã hội hay thuê nhà ở, ưu tiên cho con vào các trường công lập, giảm thuế thu nhập cá nhân… Cần có các biện pháp hỗ trợ thực sự đồng bộ, đồng thời vận động, tạo sức thuyết phục để có thể điều chỉnh mức sinh phù hợp.

TƯƠNG QUAN - quận 7, TPHCM

 Bảo đảm thu nhập cho người lao động sinh con

Việc khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con là cấp thiết, vì nước ta đang đứng trước ngưỡng già hóa dân số, và có thể sẽ thiếu nguồn lao động trẻ. Thực tế hiện nay, nhiều người lao động (NLĐ) xa quê làm công ăn lương trong các đơn vị, doanh nghiệp đang có tâm lý ngại sinh con, do mức thu nhập quá thấp, chưa đủ trang trải cuộc sống, và do lo trong thời gian nghỉ sinh sẽ mất nhiều khoản thu nhập thực tế, mất vị trí, chỗ làm cũ. Hiện nay, ngoài chế độ hưởng trợ cấp thai sản 6 tháng được bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả, NLĐ nữ sinh con không còn bất kỳ khoản chế độ, khoản hỗ trợ, hay khoản thu nhập nào trong thời gian sinh và nuôi con nhỏ.

Tại các đơn vị, doanh nghiệp thường có 2 bảng lương, một bảng lương được xây dựng gọi là mức lương cơ bản được thực hiện khi ký kết hợp đồng lao động với NLĐ để đóng BHXH và một bảng lương gọi là lương sản phẩm, lương giao khoán; trong khi đó mức lương để thực hiện chế độ, đóng BHXH rất thấp. Do đó, thường thì trong 6 tháng NLĐ nữ nghỉ thai sản, hầu như thu nhập sẽ mất đi một nửa so với khi đi làm việc.  

Để đảm bảo quyền lợi và khuyến khích NLĐ nữ trong các đơn vị, doanh nghiệp sinh đủ 2 con cần có thêm những chính sách khuyến khích sinh đủ 2 con, và cần sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Bộ luật Lao động, Luật BHXH hiện hành để quyền lợi của NLĐ nữ trong thời gian sinh con và chăm sóc con nhỏ được đảm bảo đầy đủ và tốt hơn; được hưởng thu nhập trong thời gian nghỉ thai sản không bị giảm sút so với thu nhập khi làm việc. 

NGUYỄN ĐỨC NGUYÊN -quận 5, TPHCM

Tin cùng chuyên mục