
Tình trạng bạo loạn bùng phát và đang lan rộng tại Pháp đã không còn là vấn đề của riêng nước này, khi tối 8-11 đã có 3 ô tô tại Đức bị đốt cháy.

Giống như Pháp, Đức và Bỉ cũng là nơi có cộng đồng đông đảo người A-rập và người nhập cư Hồi giáo sinh sống, và không loại trừ khả năng sẽ trở thành một "intifada (cuộc nổi dậy) ở châu Âu.
Trong khi đó, mặc dù nhiều thành phố ở Pháp đã áp dụng lệnh giới nghiêm, nhưng đêm 8-11, nhiều thanh niên quá khích vẫn tiếp tục ném bom xăng vào lực lượng cảnh sát và đốt các phương tiện giao thông tại một số địa phương ở Pháp.
Theo nguồn tin của cảnh sát, chỉ riêng trong ngày 8-11, ít nhất 190 phương tiện giao thông đã bị đốt và 70 người bị bắt, nâng tổng số ô tô bị đốt lên tới hơn 5.000 chiếc và số người bị bắt lên hơn 1.500 người kể từ khi bùng phát bạo loạn ngày 27-10 vừa qua.
Tình hình nước Pháp lại càng trở nên rối loạn, khi ngày 8-11, công nhân ngành điện lực Pháp đã tiến hành biểu tình theo lời kêu gọi của Tổng liên đoàn lao động (CGT) và Lực lượng công nhân (FO) để phản đối kế hoạch của Chính phủ tư nhân hóa ngành điện và tăng giá khí đốt.
Cuộc biểu tình khiến sản lượng điện giảm 6% và gây tình trạng mất điện cục bộ, riêng tại thành phố Marseille, có ít nhất 30.000 khách hàng của Công ty điện lực bị mất điện.
H.N (Theo TTXVN)