Nhà nghiên cứu Mộc Quế (ảnh) là chuyên gia tư vấn doanh nghiệp, gần đây ông chuyển sang nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa cơ sở, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa gia đình. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông xoay quanh mối quan hệ giữa văn hóa gia đình và doanh nhân; văn hóa gia đình đóng vai trò như thế nào trong kinh doanh của doanh nhân. Nói về việc này, ông nhận xét như một đúc kết: “Hiện nay, có doanh nhân thành công nhưng không thành đạt”!
- PV: Thưa ông, vì sao ông tâm huyết với đề tài văn hóa gia đình doanh nhân? Ông đánh giá như thế nào về thực trạng văn hóa gia đình của giới doanh nhân hiện nay?
Nhà nghiên cứu MỘC QUẾ: Trong suốt quá trình nghiên cứu, tôi thấy rằng văn hóa vẫn là cái gốc. Văn hóa là giá trị. Đối với một quốc gia, mất văn hóa là mất giá trị. Còn đối với gia đình, văn hóa gia đình đóng vai trò nền tảng. Gia đình có văn hóa giống như những “tế bào” tốt cho “cơ thể” là xã hội sẽ phát triển tốt đẹp. Doanh nhân, doanh nghiệp có văn hóa gia đình tốt, giữ được yếu tố văn hóa gia đình làm gốc trong sự nghiệp kinh doanh, chắc chắn doanh nghiệp ấy sẽ trường tồn và phát triển bền vững. Thực trạng hiện nay không ít gia đình bị vật chất, đồng tiền chi phối. Rất nhiều doanh nhân vì phải tất bật lao vào mưu sinh mà quên đi sự vun đắp cần thiết cho văn hóa gia đình. Cha mẹ, vợ chồng lo chuyện kinh doanh và giao phó con em mình cho nhà trường, cho xã hội, vợ hoặc chồng luôn thiếu vắng một hoặc cả hai người trong nhà… thì vai trò làm cha mẹ trong việc giáo dục hoặc tạo nên văn hóa gia đình sẽ bị hụt hẫng.
- Vì sao ông nhận định rằng, hiện nay, nhiều doanh nhân thành công nhưng chưa thành đạt trọn vẹn?
Trong quá trình tư vấn cho hàng trăm doanh nghiệp, sau những buổi trao đổi kinh nghiệm và khi trở nên gần gũi, nhiều doanh nhân mới tâm sự thật với tôi rằng, họ thành công trên thương trường nhưng gia đình lại không hạnh phúc. Con cái thì hư, vướng vào tệ nạn, vợ thì “cắm sừng”. Có trường hợp doanh nhân thành công nhưng sụp đổ tinh thần khi tình cờ phát hiện trong túi xách của vợ mình có hộp bao cao su xài chưa hết, rồi gia đình rạn nứt, ly hôn, tan vỡ. Như vậy, mặt nào đó, các doanh nhân ấy thành công chứ chưa thành đạt, vì thành đạt còn bao hàm cả ý nghĩa vừa có sự nghiệp kinh doanh thành công và phải vừa có gia đình hạnh phúc. Nguyên nhân sâu xa cũng từ cái gốc của văn hóa gia đình mà ra, chạy theo vòng xoáy của thương trường mà quên hẳn “khung thành”, ít vun vén cho gia đình. Quan niệm chu cấp đầy đủ cho con em về vật chất vì có tiền, có ôsin, có bà ngoại, bà dì lo… là sai lầm. Vì chỉ lo vật chất nên dẫn đến hành động của nhiều doanh nhân thường dùng vật chất để hàn gắn vết rạn nứt. Ví dụ, khi có chuyện rạn nứt thì “đi mua sắm nha em”. Rồi cho vợ đi học nhảy đầm, đi học giao tiếp với nước ngoài, trang điểm… Rồi vợ tập hợp thành nhóm với những người có tiền, đi chơi, mua sắm, đi spa... Bao nhiêu tiêu cực xảy ra từ đây. Con em của doanh nhân cũng sẽ học làm sang từ bố mẹ. Như vậy, vật chất dần dần sẽ trở thành một con dao cắt đứt trái tim nhân ái, lòng thương yêu, sự rung cảm mềm mại của gia đình. Như vậy những gia đình doanh nhân đó có hạnh phúc không?
- Được biết, ông mới xuất bản cuốn sách “Xây dựng văn hóa gia đình doanh nhân”. Quyển sách nhằm chuyển tải điều gì, thưa ông?
Cuốn sách này như một thông điệp nhỏ tặng gia đình giới doanh nhân. Trong sách, tôi phân tích rất rõ mối quan hệ giữa văn hóa gia đình và doanh nhân. Đồng thời, cuốn sách như một tiếng chuông nhỏ gióng lên lời cảnh báo sự rạn nứt của nhiều gia đình doanh nhân mà tôi thấy xuất hiện ngày càng nhiều. Tôi cho rằng, sản phẩm của doanh nghiệp được xây dựng bởi người chủ – doanh nhân có văn hóa gia đình luôn hàm chứa những giá trị, ý nghĩa mang tính nhân văn (ngoài giá trị sử dụng của sản phẩm).
- Vậy theo ông, để thành đạt thì doanh nhân phải làm gì?
Bản thân mỗi doanh nhân phải ý thức rằng phải cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc kinh doanh. Phải xây dựng một gia đình doanh nhân hài hòa, tức mối quan hệ tình cảm các thành viên trong gia đình hòa thuận, tương thân tương ái trong cuộc sống và công việc. Đừng bao giờ để xảy ra tình trạng khi doanh nhân thành công, có cả đống tiền nhưng lúc quay về thì gia đình đã tan nát! Sự nghiệp kinh doanh của một doanh nhân đều có âm hưởng của đời sống văn hóa gia đình. Đằng sau sự thành công của doanh nhân phải để lại một nền tảng: sự tồn tại của gia đình doanh nhân và cả sự tồn tại của gia đình những công nhân làm việc cho doanh nhân đó.
- Xin cảm ơn ông!
Việt Tấn (thực hiện)