Báo SGGP ngày 9-7-2015 có đăng bài “Luật mở, thiếu hướng dẫn, làm khó doanh nghiệp” phản ánh tình trạng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ 1-7-2015 nhưng do chưa có văn bản hướng dẫn nên vẫn phải thực hiện theo luật cũ. Nhiều bạn đọc phản ánh: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và một số luật khác cũng có hiệu lực từ 1-7-2015, nhưng chỉ là có hiệu lực trên… giấy vì chưa có văn bản hướng dẫn.
Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư (sửa đổi)… là các luật mà người dân rất quan tâm chờ đợi ngày có hiệu lực thi hành, vì những quy định mới của các luật này tác động nhiều đến đời sống người dân cũng như doanh nghiệp.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng khi luật mới đã có hiệu lực thi hành vẫn không thể áp dụng do thiếu văn bản hướng dẫn. Tình trạng này là do luật chưa quy định chi tiết mà phải chờ ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn dưới luật, trong khi khâu này thường thực hiện rất chậm. Để “chữa cháy” tình trạng đình trệ do luật mới liên quan đến nhà đất còn phải nằm chờ nghị định, thông tư, Bộ Xây dựng đã ra thông báo: Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng ra văn bản hướng dẫn, các bộ, tỉnh - thành vẫn được áp dụng các văn bản: Thông tư 13/2008/TT-BXD, Thông tư 16/2010/TT-BXD…
Theo cách giải thích của Bộ Xây dựng, do nội dung các điều luật không thay đổi, nên vẫn áp dụng văn bản hướng dẫn cũ. Có nhiều ý kiến của các luật gia, giới kinh doanh bất động sản và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan cho rằng cách làm mang tính “chữa cháy” này là không ổn và có thể gây ra những hệ lụy, vì không đúng pháp luật. Theo quy định, trước khi luật mới có hiệu lực, cơ quan hành pháp ban hành văn bản dưới luật để hướng dẫn thực thi luật mới. Như vậy, khi luật mới có hiệu lực, thì đương nhiên luật cũ hết hiệu lực và theo đó các văn bản dưới luật hướng dẫn cho luật cũ cũng tự động hết hiệu lực. Vì thế, việc tiếp tục sử dụng văn bản hướng dẫn luật cũ để thực thi là vi phạm pháp luật.
Theo luật gia Trần Đình Dũng (Hội Luật gia Việt Nam), căn bệnh luật mới đã có hiệu lực nhưng vẫn phải nằm chờ nghị định, thông tư hướng dẫn là do sự chậm chạp của cơ quan hành pháp. Khi chưa soạn thảo xong để ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn thì luật chưa thể áp dụng vào cuộc sống. Ngoài nguyên nhân cơ quan hành pháp chậm ban hành văn bản hướng dẫn, chính trong các văn bản luật cũng tự làm khó mình. Thí dụ Điều 212 Luật Đất đai 2013 quy định Chính phủ quy định chi tiết các điều khoản được giao trong luật. Theo quy định này, Chính phủ phải ban hành nghị định để hướng dẫn chi tiết các điều khoản trong luật. Thế nên những điều khoản chưa có nghị định hướng dẫn thì phải chờ văn bản hướng dẫn như luật định.
Thực tế cuộc sống đòi hỏi luật phải được quy định đủ chặt chẽ, chi tiết, để khi có hiệu lực là áp dụng ngay với các điều khoản đã quy định trong luật. Các văn bản hướng dẫn dưới luật như nghị định, thông tư chỉ nhằm hướng dẫn làm rõ thêm.
Trần Yên