Có nên bỏ giá trần vé máy bay?

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, mới đây, đại diện các hãng hàng không đã thêm một lần nữa bày tỏ quan điểm và kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay nội địa đối với những đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên.
Hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất
Hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất

Lý do bỏ giá trần được các hãng đưa ra là đảm bảo đa dạng chính sách giá để cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp thì đề xuất trên của các hãng không phải không có lý khi cho rằng, giá vé máy bay cần để cho thị trường quyết định dựa trên nền kinh tế thị trường. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khó khăn, các chi phí đầu vào tăng cao, việc áp dụng giá trần vé máy bay đã tước đi cơ hội tăng doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn cao điểm để bù đắp cho giai đoạn thấp điểm.

Một số chuyên gia kinh tế cũng đồng tình quan điểm này khi quan sát thấy trên thế giới hầu như không có quốc gia nào còn quản lý vé bay bằng giá trần, ví dụ như Thái Lan, Indonesia... Riêng Trung Quốc thì nhà nước phê duyệt giá vé máy bay, không có hàng không giá rẻ nên không có giá trần. Các chuyên gia cho rằng, sớm hay muộn cũng nên bỏ giá trần.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ người dân, câu chuyện bỏ giá trần là rất đáng lo ngại. Thực tế cho thấy, trong dịp Tết Quý Mão 2023 vừa qua, vào những ngày cao điểm trước và sau tết, trên các chặng bay có nhu cầu cao như Hà Nội - TPHCM và giữa TPHCM với các tỉnh miền Bắc, miền Trung… giá vé luôn ngất ngưởng ở mức kịch trần. Cụ thể, ở chặng bay từ 1.280km trở lên, giá vé lên đến gần 10 triệu đồng/cặp khứ hồi; ở chặng từ 850km đến dưới 1.280km, giá vé khoảng 8 triệu đồng/cặp khứ hồi; ở chặng 500km đến dưới 850km, giá vé khoảng 6 triệu đồng/cặp khứ hồi…

Giá cao nhưng người có nhu cầu cũng không mua được. Vậy nếu bỏ giá trần, giá vé sẽ vút lên bao nhiêu? Người dân lao động sẽ phải dành dụm ra sao để đủ tiền mua vé máy bay về quê ăn tết sau cả năm tha hương?

Vẫn biết giá cả dịch vụ hàng không khác giá cả hàng hóa thông thường, cấu trúc giá vé phức tạp hơn rất nhiều khi phụ thuộc vào giá nguyên nhiên liệu, thuê máy bay, nhân lực, biến động tỷ giá… Vẫn biết các doanh nghiệp hàng không đang đối diện nhiều khó khăn, thậm chí là nguy cơ phá sản, nhưng các cơ quan quản lý cần phải rất cân nhắc trước vấn đề hệ trọng này.

Có ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý cần có công thức điều hành giá và tạo khung dao động đảm bảo mức độ cạnh tranh bình đẳng, minh bạch phù hợp với lợi ích của người dân. Lại có ý kiến cho rằng, Nhà nước cần lập ra một ủy ban độc lập về quản lý hàng không, các hãng có thể đề xuất và điều chỉnh giá vé linh hoạt, kịp thời, phản ánh đúng đủ các biến số đầu vào cũng như diễn biễn của thị trường. Tuy nhiên, dù chọn phương án nào, Nhà nước cũng cần có các công cụ để giám sát, điều tiết, chống độc quyền, bắt tay thao túng giá cả làm tổn hại đến người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục