Sau thời gian ngắn giảm giá mạnh, từ 111,81 USD/thùng xuống còn 46,01 USD/thùng, những ngày gần đây giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng trở lại, cùng với khả năng tăng thuế môi trường đối với xăng dầu khiến lo ngại giá trong nước sẽ phải điều chỉnh tăng theo.
Cụ thể, giá xăng dầu bình quân 15 ngày gần nhất (từ 12-2 đến 26-2) xăng RON 92 đang ở mức 69,05 USD/thùng, dầu hỏa 74,87 USD/thùng, dầu diesel 73,136 USD/thùng.
Trong chu kỳ tính giá vừa qua, giá cơ sở xăng dầu đang cao hơn giá bán lẻ hơn 2.000 đồng/lít. Theo đó, Liên bộ Công thương - Tài chính đã phải quyết định chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu. Mức xả quỹ khá lớn, lên đến 2.448 đồng/lít xăng. Các doanh nghiệp ước tính, với mức xả quỹ này thì chỉ khoảng 2 tháng, Quỹ bình ổn xăng dầu sẽ hết. Điều này cũng đồng nghĩa với áp lực tăng giá xăng dầu trong thời gian tới khó tránh khỏi, đặc biệt trong báo cáo mới đây nhiều doanh nghiệp, trong đó có Petrolimex cho biết đang lỗ nặng. Trước đó, Bộ Tư pháp đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi biểu thuế bảo vệ môi trường, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015. Trong đó, tờ trình nêu rõ do giá xăng dầu có dấu hiệu giảm mạnh và còn diễn biến phức tạp nên làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách nhà nước, gây khó khăn cho ngân sách năm 2015. Bên cạnh đó, từ ngày 1-1, Việt Nam bắt đầu phải thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Đáng chú ý, hiện nay riêng mặt hàng xăng đang “cõng” trên mình 4 loại thuế. Cả thuế và phí đang chiếm hơn 39% cơ cấu thành giá mặt hàng xăng; trong đó, thuế nhập khẩu đang ở mức 35%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%… Và nếu việc nâng thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được áp dụng trên mức sàn, lên tới 4.000 đồng/lít, gấp 4 lần hiện nay; dầu diesel có mức thuế trần 3.000 đồng/lít, gấp 6 lần; dầu hỏa và mazut có trần 2.000 đồng/lít,kg, gấp 6,5 lần... Như vậy, sức ép tăng giá khó tránh khỏi.
Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu xuống thấp là cơ hội tốt để cải cách hệ thống năng lượng, bỏ trợ giá, tìm kiếm các nguồn năng lượng mới thay thế. Nhưng nếu để bù thâm hụt ngân sách do giá dầu giảm bằng cách tăng thuế, phí thì cơ hội này sẽ tuột mất. Trên thực tế, liên tục những tháng gần đây, chỉ số giá tiêu dùng giảm chủ yếu do tác động của việc giảm giá xăng dầu thế giới. Mặc dù CPI giảm nhưng sức mua của nền kinh tế tiếp tục tăng. Giá dầu giảm cũng kéo theo giá xăng dầu thành phẩm giảm. Khi đó, chi phí đầu vào giảm sẽ kích thích sản xuất, tiêu dùng; đồng thời giá sản phẩm cũng hạ xuống và kích cầu cho nền kinh tế. Theo tính toán, nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng thì GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 0,48 điểm phần trăm. Và nếu ở ngưỡng 40 USD/thùng thì GDP có thể tăng thêm 0,61 điểm phần trăm. Xuất khẩu và nhập khẩu cũng tăng mạnh. Nếu kết hợp với việc giảm lãi suất cho vay và giá dầu thô giảm xuống mức nêu trên thì GDP tăng thêm lần lượt 0,78 và 0,91 điểm phần trăm. Do đó, việc đề xuất tăng thuế để bù thu ngân sách là chưa thuyết phục và cần được xem xét kỹ lưỡng. Thay vào đó, phải siết lại các khoản chi vì còn nhiều khoản chi lãng phí. Trong trường hợp cấp thiết, có thể linh hoạt điều hành các biện pháp về thuế, quỹ bình ổn giá, giá bán lẻ để bình ổn giá xăng dầu, thay vì chọn cách điều hành giá giảm thì tăng thuế như lâu nay.
LẠC PHONG