Có phải là “Giải Oscar Việt Nam”?

Có phải là “Giải Oscar Việt Nam”?

Khi xem lễ trao “Cánh diều vàng”, nhiều bạn trẻ đã cười rộ lên một cách vô tư: “A! Oscar Việt Nam”, còn người đứng tuổi thì lại trầm tư, im lặng. Tôi thấu hiểu những nỗi buồn trên gương mặt người xem, vì rằng cách đó đâu xa, giải Oscar thứ 78 của Viện Hàn lâm Khoa học Nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ cũng đã được hoành tráng phát sóng lại trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Có phải là “Giải Oscar Việt Nam”? ảnh 1

Phim “Đường thư” của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, một trong những phim được đánh giá cao, nhưng “trắng tay”.

Phong cách chuyên nghiệp mấy mươi năm qua của một giải điện ảnh lừng danh thế giới này ai còn lạ gì. Đó là nơi để các cô đào phô trương những bộ váy đi cùng tên tuổi của những nhà thiết kế lừng danh, là nơi các nghệ sĩ điện ảnh trên thế giới đến đây để khẳng định tên tuổi của mình.

Riêng năm nay, đã có 300 phim cạnh tranh quyết liệt để giành được trong 5 chỗ đề cử phim hay nhất, còn phim nước ngoài có đến 58 nước tham gia trong đó có Mùa len trâu của Việt Nam.

Nói những điều này để cho thấy sự gắng gượng của ta khi muốn sao chép nguyên bản của Oscar là một điều không nên làm. Vấn đề lớn và nổi cộm nhất đó là vì số lượng phim của ta quá ít ỏi, cho dù ta đã cố vét cho kỳ hết những phim đã công chiếu đến những phim vừa xuất xưởng mới được con số 12.

Vì thế nên báo chí và công chúng cứ ngơ ngác bởi những tên phim lạ lẫm, chưa từng có mặt trên thị trường phim ảnh suốt năm qua, bây giờ bỗng nhiên được vinh danh là Cánh diều vàng 2005. Từ thực tế đó, ai cũng biết lời hứa nhiều năm qua của Hội Điện ảnh là sẽ có thêm một “Giải của khán giả” là một điều không tưởng, mà nếu có trao được thì chỉ có thể trao cho phim có doanh thu cao nhất trong năm, một chuyện dễ như trở bàn tay của các công ty chiếu bóng.

Từ vấn đề nan giải thứ nhất ấy tất sẽ kéo theo những hệ lụy khác cho một chuỗi giải thưởng nương theo bóng của Oscar. Từ những trích đoạn phim được đề cử chiếu trên màn hình đến cách trao giải trong suốt buổi lễ, người xem cứ thấy như là một bản nháp chưa hoàn chỉnh. Ở giải Oscar của Mỹ, người xem cũng đã quá ngán ngẩm khi nghe các nghệ sĩ cảm ơn, cảm ơn đến mệt mỏi tràng giang với những tên người, từ cha mẹ, anh em đến chồng vợ, người yêu… thì ở đây nghệ sĩ mình cũng cảm ơn không chịu kém…

Thôi thì cứ gọi là ta muốn học tập phong cách trao giải điện ảnh lớn của thế giới, có gì đâu mà xấu hổ. Họ nhiều phim, ta ít phim cũng chẳng có gì lấy làm điều, phim họ đã có công chúng còn ta thì từ từ rồi công chúng cũng biết. Mà nhờ có giải thì những phim nghệ thuật như “Chuyện của Pao” và “Sống trong sợ hãi” mới được công chúng biết tới và sẽ có doanh thu.

Tất cả những lý giải này đều hợp lý cả nếu như đây không phải là một giải thưởng của Hội nghệ thuật chuyên ngành. Mà đặc trưng của giải thưởng này là để động viên và khuyến khích tài năng, và ngân sách nhà nước bỏ ra hàng năm cho cả 8 hội nghệ thuật là để tìm những tác phẩm hay nhất trong năm.

Vì thế, chỉ trao giải đạo diễn cho phim hoạt hình “Lá cây và lông vũ” mà không trao giải Cánh diều vàng cho phim này là không hợp lẽ. Giải thưởng của tất cả các hội nghệ thuật đều có các giải: A, B và khuyến khích. Tác phẩm điện ảnh không thể ngoại lệ, vì thế, trao 1 giải duy nhất “Cánh diều vàng” cho từng thể loại phim là không phù hợp với tiêu chí giải thưởng của một hội chuyên ngành nghệ thuật ở Việt Nam, bởi bên cạnh đó vẫn còn không hiếm phim được đánh giá cao.

Và ai cũng lạ, bởi nếu bên cái giải vàng xứng đáng cho “Dưới cờ đại nghĩa”, ở thể loại phim truyền hình nhiều tập vì sao không thể có giải bạc cho “Kính vạn hoa”, một bộ phim thiếu nhi đã và đang gây cơn sốt cho khán giả nhí của màn ảnh nhỏ cả nước? Vậy mà cả đến trong danh sách đề cử, phim cũng không hề được nhắc đến. Phải chăng đề tài thiếu nhi vẫn chưa hề được coi trọng trong tư duy của Ban giám khảo?

NGÔ NGỌC NGŨ LONG 

Tin cùng chuyên mục