Cổ phần hóa hầu hết DNNN

Tái cơ cấu nền kinh tế ở TPHCM

Ngày 7-8, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND TPHCM về thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế trên địa bàn TPHCM. Ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm Trưởng đoàn.

Báo cáo của bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cho biết, để triển khai đề án tái cơ cấu nền kinh tế, thời gian qua TPHCM đã tập trung vào 3 lĩnh vực là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng. Lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư và đầu tư công đã đạt nhiều kết quả khả quan. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội duy trì tăng trưởng hàng năm, giai đoạn 2011 - 2013 đạt hơn 644.000 tỷ đồng, tăng 7,48% so với giai đoạn 2006 - 2010. Trong lĩnh vực tái cơ cấu DNNN, TP đã phê duyệt đề án tái cơ cấu 14/14 tổng công ty, đồng thời TP đang quyết liệt chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các DN.

Theo kế hoạch, TP sẽ cổ phần đúng thời hạn 29 DN cổ phần hóa giai đoạn 2014 - 2015. Riêng năm 2014, TP ban hành phương án cổ phần hóa đối với 3/15 DN. Đối với lĩnh vực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đến năm 2015 trên địa bàn TPHCM sẽ không còn ngân hàng hoạt động yếu, kém.

Đại biểu Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đặt vấn đề: Tổng vốn đầu tư còn thấp so với yêu cầu, có phải do thiếu hụt các nguồn vốn. Vấn đề cổ phần hóa DNNN và thoái vốn ở các DNNN được thực hiện như thế nào? Nhiều đại biểu cũng băn khoăn về tốc độ đầu tư của cả khu vực tư nhân lẫn nhà nước có sự chững lại nhưng chưa có phân tích, đánh giá cụ thể.

Đại biểu Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP (cũng có thể nhìn nhận như tái cơ cấu kinh tế) theo hướng nâng cao tỷ trọng những nhóm ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao trong cơ cấu sản phẩm đã được TPHCM triển khai từ nhiều năm qua.

Bước sang Đại hội lần thứ 9, TPHCM đã mạnh dạn thực hiện 6 chương trình đột phá, trong đó chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tiếp tục tập trung vào 4 ngành công nghiệp và 9 lĩnh vực dịch vụ để thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vì nhiều nguyên nhân nên hiệu quả từ chương trình chưa như mong muốn. Trên thực tế, để thực hiện thành công, các chính sách vĩ mô chiếm 70%, 30% còn lại là sự nỗ lực sáng tạo của từng địa phương và DN.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà thừa nhận, TPHCM khá lúng túng trong việc tái cơ cấu nền kinh tế bắt đầu từ đâu và thực chất tái cơ cấu là gì đến nay vẫn chưa rõ. Chính vì vậy, TP rất thận trọng và sẽ tập trung kỹ hơn trong các lĩnh vực cần tái cơ cấu và sẽ hoàn thành đề án tái cơ cấu trong thời gian sớm nhất và đúng mục tiêu đề ra. Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà cho rằng, hiện TP có kế hoạch thoái vốn và thực hiện thận trọng trong 2 năm 2014 và 2015. Việc cổ phần hóa DNNN cũng đang được triển khai theo kế hoạch. Quan điểm của TP là sẽ cổ phần hóa hầu hết các DNNN. Ngoài ra, TP cũng tạo mọi điều kiện để thu hút vốn đầu tư FDI vào các lĩnh vực.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao những nỗ lực của TPHCM trong việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Nhưng nhìn vào báo cáo thì tái cơ cấu của TPHCM vẫn còn ngổn ngang vì nhiều nội dung chưa được làm rõ, đặc biệt là vị trí, vai trò của TPHCM đối với vùng kinh tế phía Nam chưa được đề cập. Mặt khác, việc phân bổ lại các nguồn lực cho các thành phần kinh tế; vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN chưa được làm rõ. Tất cả những vấn đề này cần được tập hợp, giải trình đầy đủ trong báo cáo và gửi về Ủy ban Kinh tế Quốc hội trước ngày 25-8 tới.

“Với TPHCM, việc báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế không còn là báo cáo riêng trên địa bàn TP, cũng không phải báo cáo cho đoàn giám sát mà từ TPHCM, Chính phủ, Quốc hội cũng như các cơ quan chức năng sẽ có cái nhìn toàn cảnh về bức tranh tái cơ cấu nền kinh tế cả nước. Vì những nội dung quan trọng như vậy, nên đoàn giám sát yêu cầu TPHCM cần cấu trúc lại báo cáo, làm rõ các nội dung và đặc thù vai trò của TP” - Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu kết luận.

THÚY HẢI


Hơn 95% số vụ khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hành chính

Cùng ngày, Đoàn giám sát do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Kim Hồng, dẫn đầu đã có cuộc làm việc với lãnh đạo UBND TPHCM và các sở ngành, quận - huyện liên quan về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước.

Báo cáo của UBND TPHCM về công tác tiếp dân, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo từ năm 2011 đến nay cho thấy, nội dung khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm hơn 95%, trong đó khiếu nại trong lĩnh vực đất đai chiếm cao nhất với tỷ lệ hơn 80%. Cụ thể, tổng số đơn khiếu nại đã giải quyết trên tổng số đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền trên địa bàn là 12.638/13.173 đơn (đạt tỷ lệ 96%). Đáng chú ý, đơn khiếu nại đúng chỉ có 7%, khiếu nại có đúng, có sai 17% và có tới 76% đơn khiếu nại của người dân là sai. Nội dung khiếu nại liên quan đến đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất chiếm chủ yếu.

Về tố cáo, UBND TPHCM cho biết, từ năm 2011 đến nay cơ quan thẩm quyền đã giải quyết 892/914 đơn tố cáo của công dân (đạt tỷ lệ 96%), trong đó số đơn tố cáo sai cũng chiếm hơn 70% trên tổng số đơn. Về nguyên nhân, UBND TP cho rằng có yếu tố lợi dụng quyền dân chủ trong khiếu nại, tố cáo để khiếu tố không đúng pháp luật; khiếu nại không được giải quyết thỏa đáng đã chuyển qua tố cáo và một bộ phận người dân không hiểu biết pháp luật, dễ dàng nghe theo xúi giục của kẻ xấu tham gia khiếu nại, tố cáo…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Kim Hồng đánh giá, những năm qua TPHCM đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại phức tạp, tồn đọng kéo dài. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự quan tâm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, tình hình khiếu kiện nói chung vẫn còn phức tạp, số vụ phát sinh hàng năm tăng, nhiều vụ việc chậm giải quyết dẫn đến khiếu nại vượt cấp…

Trong những năm tới TPHCM cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về khiếu nại, tố cáo; hoàn thiện bộ máy tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài và nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ quan hành chính các cấp; tăng cường phối kết hợp với các bộ ngành trung ương và các địa phương để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bồi thường, thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư phát triển, tránh kéo dài dễ phát sinh khiếu kiện đông người, phức tạp.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục