(SGGPO).- Sáng ngày 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo Báo cáo thẩm tra của UB Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH, nhiều quy định trong dự thảo luật còn ở dạng “luật khung”. Cụ thể, trong 46 điều của dự thảo luật có tới 18 điều khoản phải chờ hướng dẫn mới thực hiện được. Trong khi đó, luật lại liên quan đến hầu hết các ngành, tổ chức và cá nhân. Vì vậy, để đi vào cuộc sống cần được bổ sung, cụ thể hóa hơn nữa quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân... Đồng thời, ban soạn thảo cần tham chiếu các tiêu chuẩn kỹ thuật trong các lĩnh vực điện lực, giao thông, xây dựng... để quy định cụ thể hơn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thẳng thắn: “Có nhiều điều luật chung chung như khẩu hiệu, cả thực lực lẫn công nghệ hiện nay chưa làm nổi”!
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, quan điểm của Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi được nhiều thành viên UBTVQH chia sẻ. GS Đào Trọng Thi nói: “Nếu chỉ điều chỉnh khâu sử dụng năng lượng thì không đạt được mục tiêu xây dựng Luật, cần mở rộng yêu cầu sử dụng năng lượng hiệu quả ngay từ khâu khai thác, sản xuất. Đồng thời, cần chú trọng khai thác các nguồn năng lượng tái tạo và gìn giữ các nguồn năng lượng không tái tạo được (như dầu mỏ, than đá) làm “của để dành”...
Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng ý: “Khai thác – sử dụng năng lượng là một quy trình khép kín, cần mở rộng phạm vi áp dụng của Luật ngay từ khâu khai thác, sản xuất năng lượng. Một bất hợp lý khác là nhiều quy định cốt lõi nhằm buộc tổ chức cá nhân thực hiện nghiêm chỉnh lẽ ra phải nêu cụ thể ngay trong Luật thì lại được giao cho Chính phủ hoặc Bộ quy định”.
Chia sẻ nhận định chung là dự án luật còn nhiều quy định theo kiểu “luật khung”, cần phải có hướng dẫn mới thực hiện được, song Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lại cho rằng, không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật sang cả các khâu khai thác - sản xuất năng lượng, bởi “đã có các luật chuyên ngành, cần thiết thì viện dẫn vào luật này là đủ”. Điều cần làm, theo ông, là cụ thể hóa khái niệm “tiết kiệm, hiệu quả”, căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có cơ sở khoa học. Phó Chủ tịch cung cấp thêm thông tin, tại Nhật Bản, văn bản pháp quy về vấn đề này nêu rất cụ thể cả giờ bật – tắt đèn chiếu sáng công cộng vào từng thời điểm trong năm… “Trước hết, cần có chế tài mạnh đối với khu vực nhà nước và quy định mang tính chất khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đối với các thành phần khác”.
Trong số các vấn đề cụ thể, nhiều ý kiến trong UBTVQH đề nghị phân biệt 2 loại đối tượng sử dụng năng lượng là cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước và không sử dụng ngân sách nhà nước. Trong đó, đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước bắt buộc phải tuân thủ các yêu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đối tượng khác quy định mang tính khuyến khích. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng ngay từ khâu quy hoạch đô thị, thiết kế công trình, nhà xưởng...
Theo thống kê của Bộ Công thương và Bộ Khoa học và Công nghệ, để tạo ra 1.000 USD GDP, VN phải tiêu tốn khoảng 600kg dầu quy đổi, cao gấp 1,5 lần Thái Lan và gần gấp 2 lần mức bình quân chung của thế giới. Ngành điện nước ta mỗi năm phải tăng trưởng 14 - 15% mới đáp ứng được yêu cầu tăng 6 - 8% GDP, trong khi bình quân thế giới thì để tăng 1% GDP chỉ cần tăng 1,2 - 1,5% năng lượng tiêu thụ. Hơn 90% doanh nghiệp ở VN là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung kinh doanh, sản xuất ở các lĩnh vực xi măng, thép, gốm sứ, đông lạnh, hàng tiêu dùng... có tiềm năng tiết kiệm năng lượng đến 20%, các ngành xây dựng dân dụng và giao thông vận tải có thể tiết kiệm năng lượng tới 30%; sinh hoạt và dịch vụ cũng có tiềm năng tiết kiệm không nhỏ.
Chiều cùng ngày, UBTVQH xem xét các báo cáo về công tác dân nguyện và giải quyết khiếu nại tố cáo.
ANH PHƯƠNG