Có sự đồng hành của kiều bào, Việt Nam có thể biến “nguy” thành “cơ” trong phát triển

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, với sự đồng lòng và chung sức của cộng đồng hơn 100 triệu người Việt Nam ở trong nước và sự đồng hành của 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có 500.000 trí thức, chuyên gia ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn, Việt Nam hoàn toàn có thể biến “nguy” thành “cơ” và hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển của dân tộc.

Ngày 30-10, tại TPHCM, UBND TPHCM và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức hội nghị kiều bào đóng góp, hiến kế về chuyển đổi số và khắc phục tác động của dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam.

Tham dự phiên làm việc buổi chiều của hội nghị có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công theo dõi chỉ đạo Đảng bộ TPHCM; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Đặng Minh Khôi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Hơn 200 kiều bào tham dự trực tiếp và hơn 200 kiều bào kết nối trực tuyến với hội nghị từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Có sự đồng hành của kiều bào, Việt Nam có thể biến “nguy” thành “cơ” trong phát triển ảnh 1 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Có sự đồng hành của kiều bào, Việt Nam có thể biến “nguy” thành “cơ” trong phát triển ảnh 2 Hơn 200 kiều bào tham dự hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Sẵn sàng chấp nhận giải pháp mới

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nồng nhiệt chào mừng trên 400 đại biểu, doanh nhân, trí thức người Việt Nam trên toàn thế giới, không quản khó khăn do dịch Covid-19 và sự khác biệt về múi giờ, đã thu xếp tham dự hội nghị, cả trực tiếp và trực tuyến.

Đồng chí Phạm Bình Minh nhận xét, chúng ta đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, đang mở ra một thời kỳ phát triển hoàn toàn mới cho nhân loại. Đó là kỷ nguyên số, với những thay đổi, chuyển biến sâu rộng chưa từng có, diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống và ở mọi khu vực trên thế giới.

Có sự đồng hành của kiều bào, Việt Nam có thể biến “nguy” thành “cơ” trong phát triển ảnh 3 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đất nước ta đang bước vào giai đoạn chiến lược mới – giai đoạn đổi mới toàn diện, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng. Với lợi thế của nước đi sau, đi thẳng vào những lĩnh vực mới của nền kinh tế số, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, Việt Nam có cơ hội tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá, từ một quốc gia có thu nhập trung bình trở thành một quốc gia có thu nhập cao, bằng cách chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ tăng trưởng dựa trên năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) sang tăng trưởng dựa vào tri thức.

Đồng chí Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam đã không chỉ trở thành quốc gia thành công trong việc phòng chống dịch Covid-19, mà còn tận dụng tốt cơ hội để triển khai chuyển đổi số quốc gia. Giai đoạn vừa qua, đã chứng kiến sự chuyển biến lớn trong việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động khối cơ quan chính phủ, đặc biệt là khối y tế, giáo dục. Các doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng công nghệ, thay đổi cách thức, mô hình hoạt động để thích ứng và phát triển. Việt Nam là một trong số ít quốc gia phát triển nhiều ứng dụng công nghệ thông tin nhất trong phòng chống Covid-19. Gần 1.000 cá nhân đến từ hàng chục công ty công nghệ, đã cùng nhau xây dựng hơn 20 ứng dụng nhằm phục vụ người dân, xã hội, phục vụ các cơ quan chức năng.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng đánh giá, những thách thức trước mắt là không hề dễ dàng vượt qua. Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế. Mức độ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động. Kinh tế số có quy mô nhỏ.

Có sự đồng hành của kiều bào, Việt Nam có thể biến “nguy” thành “cơ” trong phát triển ảnh 4 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu tham quan các gian hàng công nghệ trưng bày tại hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, với sự đồng lòng và chung sức của cộng đồng hơn 100 triệu người Việt Nam ở trong nước và sự đồng hành của 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có 500.000 trí thức, chuyên gia ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn, Việt Nam hoàn toàn có thể biến “nguy” thành “cơ” và hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển của dân tộc.

Đồng chí Phạm Bình Minh đề nghị các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào cùng trao đổi, thảo luận, đóng góp những ý kiến thiết thực để thực hiện mục tiêu kép. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề: giải pháp để chuyển đổi nhận thức, tư duy của toàn xã hội trong chuyển đổi số; đưa ra khuyến nghị để hoàn thiện, kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những mối quan hệ mới phát sinh; đưa ra giải pháp và trực tiếp đào tạo, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao; góp ý để TPHCM đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. “Với sự góp sức của kiều bào, TPHCM và cả nước sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng tốt thời cơ để vươn lên mạnh mẽ và phát triển phồn vinh", Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng.

Có sự đồng hành của kiều bào, Việt Nam có thể biến “nguy” thành “cơ” trong phát triển ảnh 5 Các đại biểu trao đổi tại hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chung tay để có giải pháp chi phí thấp khi số hóa

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, thời điểm phòng chống dịch Covid-19 với nhiều khó khăn nhưng khoảng 1 năm tới cũng là thời cơ để TPHCM cùng cả nước tăng cường nội lực mà không sợ áp lực cạnh tranh lớn như trạng thái bình thường. Và chúng ta cần phải tận dụng cơ hội này, số hóa quyết liệt trong 1 năm tới để hình thành nền tảng phát triển.

Có sự đồng hành của kiều bào, Việt Nam có thể biến “nguy” thành “cơ” trong phát triển ảnh 6 Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nhiều nước vào Việt Nam đang khó khăn vì nhiều nước đóng cửa do dịch Covid-19, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đây là thời điểm cần tăng cường sản xuất trong nước. Huy động khả năng sản xuất trong nước để lấp vào khoảng trống của hàng hóa nhập khẩu. Đây chính là thời cơ.

Vấn đề thứ hai đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đặt ra là số hóa tài nguyên dữ liệu của các doanh nghiệp và Chính phủ. Theo đồng chí, việc này cần làm khẩn trương. Tuy nhiên, nếu mỗi một đơn vị, một doanh nghiệp đi tìm một doanh nghiệp để tư vấn về số hóa thì rất lãng phí. Bởi vì, các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề sẽ có cơ cấu dữ liệu giống nhau, đặc điểm kinh doanh giống nhau.

“Tại sao không cùng suy nghĩ để hình thành những giải pháp số hóa chi phí thấp cho tất cả doanh nghiệp ở từng ngành nghề? Các doanh nghiệp công nghệ thông tin, dịch vụ phần mềm cần ngồi lại để cung cấp dịch vụ số hóa, giúp số hóa cho doanh nghiệp ở từng nhóm ngành nghề như y tế, giao thông, đất đai, dân số... Như vậy mới có giải pháp chi phí thấp cho số hóa. Đừng để từng doanh nghiệp phải tự bơi trong số hóa”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.

Cùng với gợi mở giải pháp số hóa chi phí thấp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu ra giải pháp hỗ trợ tài chính giúp doanh nghiệp số hóa mà giảm rủi ro cho ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng cần kết hợp với nhau, kết hợp với doanh nghiệp, cùng đánh giá mức độ rủi ro để có chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp đối với doanh nghiệp ở từng nhóm ngành nghề.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đặt ra yêu cầu cần khẩn trương số hóa trong công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn TPHCM theo 2 nguyên tắc giải pháp chi phí thấp và hỗ trợ tài chính rủi ro thấp.


GS.TS NGUYỄN ĐỨC KHƯƠNG (kiều bào Pháp): Chính phủ cần là hình mẫu của chuyển đổi số

Dịch Covid-19 là bài kiểm chứng năng lực đổi mới sáng tạo tiềm tàng trong mỗi người dân Việt Nam. Để đưa Việt Nam trở thành tâm điểm đổi mới sáng tạo toàn cầu, về phía chính sách vĩ mô, chúng tôi có 5 đề xuất.

Cụ thể là cần xây dựng hình ảnh tự hào về Việt Nam như là một điểm đến của đổi mới sáng tạo toàn cầu; thu hút nhân lực người Việt ở nước ngoài, tiếp tục thúc đẩy và quảng bá chương trình ‘‘Made in Vietnam’’. 

Đồng thời, cần quy hoạch, định vị và thành lập các cụm kinh tế cạnh tranh theo từng vùng miền; thành lập sàn giao dịch quốc gia về công nghệ và đổi mới sáng tạo, với quy chế chặt chẽ, đảm bảo tính công khai, minh bạch và độ tin cậy cao; kết nối các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu thị trường.

Cùng với đó, cần phát triển hệ thống công nghệ thông tin của Chính phủ trở thành một nền tảng công nghệ có thể tương tác dễ dàng đối với người dân và doanh nghiệp. Chính phủ cần là hình mẫu của chuyển đổi số, đồng  thời đi đầu trong việc hoàn chỉnh hạ tầng kinh tế số để hỗ trợ các thành phần kinh tế khác. 


TS NGUYỄN HỮU LỆ (kiều bào Australia): Phát triển “chợ online” để duy trì giao thương

Việt Nam cần mạnh dạn ứng dụng, thử nghiệm các công nghệ mới cho các xu hướng và nhu cầu mới. Trong lĩnh vực công nghệ thì Việt Nam cần tăng ngân sách để đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối các cơ quan, các bộ ngành, triển khai 5G, khuyến khích họp trực tuyến… Qua đó, Chính phủ trở thành tiên phong trong ứng dụng công nghệ và cũng thúc đẩy thị trường công nghệ Việt Nam.

Có sự đồng hành của kiều bào, Việt Nam có thể biến “nguy” thành “cơ” trong phát triển ảnh 7 Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Thay vì chỉ tập trung vào Hà Nội và TPHCM, nên xây dựng các trung tâm  phát triển khoa học - công nghệ, công viên phần mềm tại các vùng, miền để thúc đẩy ứng dụng công nghệ giải quyết các bài toán tại địa phương. Cần chú trọng xây dựng các “chợ online” kết nối cung cầu giữa người bán và người mua nhằm duy trì giao thương kể cả giai đoạn giãn cách xã hội không thể tổ chức các hội nghị - triễn lãm, giúp quảng bá sản phẩm Việt ra thị trường thế giới và thúc đẩy xuất khẩu. 

Việt Nam cần nhanh chóng giảm khoảng cách về công nghệ bằng cách phát huy nguồn lực chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam tại nước ngoài về các công nghệ mới, công nghệ 4.0.  Nên có chính sách cụ thể (visa, trọng dụng và đãi ngộ…) để thu hút các chuyên gia về nước.

Tin cùng chuyên mục