Ngăn chặn sách lậu

Có thật sự khó?

Trong một cuộc giao ban về công tác xuất bản – in -  phát hành tại TPHCM, khi bàn về vấn đề sách lậu, hầu hết đại diện các NXB, công ty kinh doanh sách đều cho rằng thị trường sách lậu hiện nay phát triển mạnh và rất phức tạp, tuy nhiên TPHCM lại không phải là điểm nóng về sách lậu.

Kết luận này không phải là một sự suy diễn, đại diện một NXB có sách bị in lậu cho rằng sách lậu (trừ sách giáo khoa) chủ yếu được bán tại các nhà sách nhỏ tư nhân. Sách lậu không bùng nổ tại TPHCM là do hệ thống bán sách tại đây tập trung vào các nhà phát hành sách lớn. Hệ thống nhà sách có quy mô lớn ở TPHCM thuộc loại phát triển nhất cả nước. Và cùng với quy mô lớn, các nhà sách, siêu thị sách luôn phải đảm bảo tính hợp pháp, minh bạch nguồn sách của mình. Trưởng phòng giao dịch một nhà sách lớn thuộc Tổng công ty Fahasa cho biết: “Để sách lên kệ bán cần có cả một hệ thống kiểm soát để tránh trường hợp nhận phải sách lậu. Từ việc kiểm tra giấy phép xuất bản đến hóa đơn tài chính… sách lậu không có chỗ ở đây”. Với quy mô của mình, họ không thể chấp nhận sách lậu tuy có chiết khấu cao nhưng không đáng so với uy tín cũng như số vốn đã bỏ ra.

Ngược lại, chiết khấu cao lại rất quan trọng với các cửa hàng sách nhỏ, tư nhân. Thế mạnh lớn nhất của sách lậu là do không phải chi trả các khoản tiền như bản quyền, dịch thuật, biên tập, quảng bá… nên họ có thể chấp nhận những mức chiết khấu rất cao cho người bán. Khoản lợi nhuận này đã khiến cho nhiều nhà sách nhỏ dễ dàng chấp nhận sách lậu. Ngay khi Công ước Berne có hiệu lực, hàng loạt đơn vị kinh doanh sách đã phải than trời vì sách lậu, từ NXB Trẻ đến Tổng hợp, Công ty Trí Việt, Nhã Nam… Và có một điểm chung là các đơn vị này luôn chỉ ra địa điểm nơi sách lậu xuất hiện sớm nhất và bày bán công khai với các tên đã quá quen thuộc như các nhà sách nhỏ tại phố sách Đinh Lễ, Láng, Nguyễn Xí (Hà Nội). Thậm chí, dù có trụ sở tại TPHCM nhưng các đơn vị này vẫn phải tổ chức họp báo tại Hà Nội, nơi mà giám đốc một NXB lớn đã phải kêu lên: “điểm nóng sách lậu”.

Hàng loạt đầu sách mới của NXB Trẻ đã bị in lậu và bày bán tràn lan tại các nhà sách nhỏ ở Hà Nội. Trong số sách bị in lậu có tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ngoài ra, tác phẩm khoa học Lược sử thời gian của nhà vật lý Stephen Hawking cũng bị in lậu với số lượng lớn. Sách in lậu có chất lượng cao, thậm chí một số còn được in giả cả tem chống giả của nhà xuất bản.

Thế nhưng, sự kiện cuốn sách mới nhất Quy luật của sự nổi loạn do ba đơn vị liên kết thực hiện gồm NXB Trẻ, NXB McGraw-Hill (Mỹ) và Công ty Vinabook.com bị in lậu lại là một tiếng chuông cảnh báo mới. Lần này sách lậu xuất hiện lần đầu tiên không phải tại những địa chỉ trên mà là tại TPHCM, nơi được đánh giá “không phải điểm nóng sách lậu”.

Sự kiện tuy bất ngờ nhưng lại dễ hiểu. Dễ hiểu chính là ở địa điểm cuốn sách lậu này được bày bán. Theo điều tra của Công ty Vinabook.com, sách lậu được bán chủ yếu tại các nhà sách nhỏ trên các phố sách dọc đường Trần Huy Liệu, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai (TPHCM)… đặc biệt, sách lậu có mặt rất nhiều tại những điểm bán sách vỉa hè vốn nở rộ lên thời gian gần đây.

Trong các cuộc họp bàn về chống sách lậu, rất nhiều ý kiến cho rằng việc kiểm tra, ngăn chặn sách lậu tại nơi in ấn rất khó khăn do nhà in thường nằm ở những nơi khuất nẻo, giữa khu dân cư. Thế nhưng, nơi bán sách lại luôn nằm ở những khu vực mặt tiền, thuận lợi cho mọi người đến mua sách. Chỉ cần một sự nghiêm túc trong việc kiểm tra nguồn gốc sách là các nhà sách lớn, các siêu thị sách có thể ngăn được sách lậu thì không lẽ gì các nhà sách nhỏ lại không thể làm được. Và nếu các nhà sách tiếp tay cho sách lậu thì việc kiểm tra, xử phạt những nơi này cũng dễ dàng hơn rất nhiều so với việc kiểm tra các nhà in. Chặn sách lậu tại nơi phát hành chính là một biện pháp vừa hiệu quả vừa có tính khả thi nhất hiện nay. Vấn đề chỉ còn chờ vào sự nghiêm minh và cương quyết của các cơ quan chức năng nhằm xây dựng nên một thị trường sách lành mạnh.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục