Một thời độc tôn trên thị trường phim ảnh, băng đĩa trong nước dành cho thiếu nhi, Cổ tích Việt Nam (do Phương Nam phim sản xuất) với những câu chuyện ngụ ngôn, tích xưa, vốn được lưu truyền trong dân gian qua bao thế hệ, nay được trở lại dưới hình thức phim truyện truyền hình.
Tâm huyết
Cuối năm 2015, Đài Truyền hình Vĩnh Long hợp tác cùng Phương Nam phim khởi động lại loạt phim Cổ tích Việt Nam với 10 câu chuyện cổ tích: Vợ Cóc, Con chó đá, Trương Chi Mị Nương, Động Từ Thức…. Loạt phim đã thu hút và chinh phục khán giả xem đài, đạt được tỷ suất người xem khá ấn tượng. Chính điều này đã tạo động lực để Đài Truyền hình Vĩnh Long cùng Phương Nam phim mạnh dạn đầu tư sản xuất tiếp tục 20 câu chuyện Cổ tích Việt Nam.
Trong lần trở lại này, đạo diễn Quách Khoa Nam được chọn thay thế Minh Chung - đạo diễn của loạt phim Cổ tích Việt Nam trước đây. Thú vị ở chỗ, Quách Khoa Nam từng tham gia Cổ tích Việt Nam trong vai trò diễn viên và lần trở lại này, tạo cho anh thật nhiều phấn khích, vì anh vốn yêu thích loạt phim này từ khi còn trẻ. Nhưng những thành công mà bộ phim và đạo diễn Minh Chung từng gặt hái được trong nhiều năm, lại là thử thách và áp lực không nhỏ với Quách Khoa Nam.
Một cảnh trong Cổ tích Việt Nam
Phương Nam phim có lẽ là đơn vị duy nhất chịu và dám đeo đẳng việc thực hiện bộ phim này. Đại diện Phương Nam phim cho biết: “Làm phim cổ tích bây giờ gặp muôn vàn khó khăn, trước tiên là phần kinh phí cao hơn một bộ phim truyện truyền hình bình thường nhiều lần. Chọn diễn viên cũng khó hơn, vì phải hợp vai và diễn xuất tốt. Đoàn phim thường phải di chuyển xa, vì phải chọn những bối cảnh phù hợp với phim cổ tích... Nói chung, làm phim cổ tích khá vất vả, tốn kém và rất khó có lãi. Nhưng chúng tôi vẫn làm vì thấy truyền hình hiện nay quá nhiều gameshow, thiếu những chương trình, phim dành cho thiếu nhi. Chúng tôi mong muốn có sản phẩm dành cho gia đình trên sóng truyền hình. Kho tàng cổ tích Việt Nam rất phong phú, chúng tôi chọn lọc những câu chuyện mang đậm văn hóa Việt và đằng sau mỗi câu chuyện là một bài học, lời răn dạy ý nhị; cũng có khi gộp chung 2, 3 câu chuyện na ná nhau thành một tập phim, để có được 20 tập phim sẽ ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ vào cuối năm 2016 này”.
Thách thức
Nhìn vào mặt bằng chung của phim ảnh Việt hiện nay - cả phim điện ảnh lẫn phim truyền hình, gần như vắng bóng dòng phim dành cho thiếu nhi, nhất là phim cổ tích, thần thoại.
“Hầu hết phim ảnh bây giờ đều là chuyện làm ăn, nên người làm phim phải tính đến hiệu quả kinh tế, chuyện lời - lỗ trước tiên”, đạo diễn Minh Chung, người đã rất thành công trong vai trò đạo diễn của loạt phim Cổ tích Việt Nam 8 năm về trước, nhìn nhận.
Trong khi đó, làm phim cổ tích rất tốn kém, kinh phí một tập phim hoặc một bộ phim đều cao hơn nhiều so với một tập/bộ phim bình thường. Chưa nói đến việc, không phải đài truyền hình nào cũng chấp nhận làm dòng phim này. Nếu đầu tư cho một tập phim cổ tích cũng như với một tập phim bình thường là không cách gì làm được. Còn nếu vẫn cố làm, chắc chắn sẽ không đạt được hiệu quả tốt.
Đạo diễn Minh Chung nói tiếp: “Chính vì vậy, tôi nghĩ, phải tâm huyết lắm mới đủ dũng cảm làm phim cổ tích trong thời buổi này và Phương Nam phim cùng với Đài Truyền hình Vĩnh Long quả thật đã rất tâm huyết, rất dũng cảm”.
Đạo diễn Ngô Vĩnh Hoàng, một người luôn đau đáu với việc làm phim thuộc đề tài cổ tích, truyền thuyết cũng nhìn nhận rằng: “Làm phim cổ tích rất tốn tiền, cần trí tưởng tượng phong phú và cần diễn viên giỏi. Nhưng khó nhất vẫn là thiếu tư liệu”.
Theo đạo diễn Ngô Vĩnh Hoàng, truyện cổ tích là văn hóa dân gian và là tấm gương phản ánh mong ước của người dân. Ví dụ như ông Bụt trong phim Tấm Cám chẳng hạn. Nếu chỉ cần tưởng tượng thì muốn vẽ ông Bụt thế nào cũng được, nhưng nếu là văn hóa thì dù là dân gian vẫn cần có kiến thức. Với tinh thần ấy, Ngô Vĩnh Hoàng ấp ủ một dự án điện ảnh thuộc dòng phim truyền thuyết 5 năm nay. Sở dĩ lâu như thế một phần phải tìm kiếm tư liệu để phác họa nhân vật, đạo cụ, trang phục sao cho thuần Việt nhất có thể và phần khác quan trọng hơn là tìm nguồn kinh phí.
Khi phim đề tài xã hội, tình yêu, hài, nhanh chóng thực hiện và ra rạp, lên sóng truyền hình thì mảng phim cổ tích Việt Nam trở nên yếm thế và hiếm hoi. Chính vì vậy, khi có nhà đầu tư, nhà sản xuất, đài truyền hình nào thực hiện được bộ phim thuộc dòng phim này một cách tử tế, chỉn chu là điều thật sự đáng quý. Sau Thạch Sanh, Tấm Cám ra rạp, sự trở lại của Cổ tích Việt Nam sau 8 năm vắng bóng là điều đáng quý.
NHƯ HOA