Còn băn khoăn về ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Đó là quan điểm của nhiều ĐBQH khi bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

(SGGP).- Đó là quan điểm của nhiều ĐBQH khi bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Phát biểu về vấn đề này, ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) nhận xét, mọi ngành nghề rút ra hoặc đưa vào danh mục đều phải được đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, nhất là khi luật này động chạm đến khá nhiều luật khác, nếu không thì người dân, doanh nghiệp khó thông. Hơn nữa, phải xem điều kiện kinh doanh cụ thể là gì. “Tinh thần làm luật là càng cụ thể càng tốt, lần này dự thảo chưa đáp ứng tiêu chí đó” - ĐB Nguyễn Văn Chiến bình luận. Về các ngành nghề được bổ sung vào danh mục, ĐB Nguyễn Văn Chiến cơ bản nhất trí với tờ trình Chính phủ, nhưng cho rằng nên tách bạch giữa sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. ĐB Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) bày tỏ đồng tình với quan điểm đưa ngành nghề sản xuất, lắp ráp ô tô vào danh mục: “Chủ trương, đường lối của Đảng là tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển; Quốc hội và Chính phủ đã có quyết sách về chiến lược phát triển công nghiệp ô tô. Sáng nay có ĐBQH hỏi và Thủ tướng đã một lần nữa khẳng định lại là sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển, khai thác thị trường nội địa. Đây là lợi ích của quốc gia, dân tộc, nước nào cũng làm như vậy”. Thận trọng hơn, ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng, xem xét, điều chỉnh danh mục là việc cần làm thường xuyên, nhưng bỏ ra tới 41 ngành, thêm 16 ngành nữa vào danh mục là số lượng lớn; ĐBQH khó theo dõi, đánh giá. Đại biểu đề nghị phương án: chấp nhận ngay những ngành nghề bỏ ra khỏi danh mục;  còn các ngành nghề sáp nhập hoặc thêm vào danh mục thì nên đánh giá tác động kỹ hơn và quyết định tại kỳ họp sau. “Tôi đồng ý việc đưa ngành sản xuất, lắp ráp ô tô vào danh mục để tạo điều kiện phát triển một ngành kinh tế mà Việt Nam có dư địa phát triển theo chiều sâu, nhưng nên cân nhắc thêm có nên đưa ngành bảo hành, bảo dưỡng ô tô vào đây không, vì lập luận để đưa ngành nghề này vào danh mục chưa thật chặt chẽ” - ĐB Nguyễn Đức Kiên bình luận.

Giải trình thêm với Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc ban hành danh mục có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng cường tính tự chủ, gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất trong nước...

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục