Còn đây một nếp gia phong

Trong tiếng gió thoảng, cái lạnh phương Nam không rét mướt như tiết trời miền Bắc, một chút sắt se đủ để người ta khoác thêm cái áo, rồi chợt giật mình, năm hết tết đến tới nơi. Người đi làm vào mùa tăng ca, báo cáo, tổng kết…; người ở nhà cũng tất bật trong ngoài, nhất là phần dọn dẹp bàn thờ gia tiên, chuẩn bị cúng rước ông bà ba ngày tết.
Tủ thờ trang trọng đặt trong nhà. Ảnh: TRẦN PHÚ
Tủ thờ trang trọng đặt trong nhà. Ảnh: TRẦN PHÚ

Hễ cuối năm, mọi sự chú ý, quan tâm của tía má trước hết phải là dọn dẹp chỗ thờ cúng ông bà. Tía và mấy thằng đực rựa trong nhà lo phần sơn phết, đánh bóng, kiểm tra ốc vít cửa tủ, chân tủ thờ… Má và mấy chị em gái khéo tay lo phần lau chùi ảnh thờ, lư hương, nhưng hơn hết là mớ “gia tài” trong tủ. Má dặn mấy chị em đem ra lau chùi cẩn thận, bể cái nào là phải giải trình bằng được với má, nhẹ thì cũng phải chịu một trận cằn nhằn mấy bữa.

Tủ thờ ở Nam bộ phổ biến với cánh cửa bên hông, và bên trong là “gia tài” gia truyền của riêng mỗi gia đình. Có nhà cất chén, dĩa, ly theo bộ để phục vụ đám tiệc trong nhà, nhất là đám giỗ ông bà. Chén dĩa cất trong tủ thường là chén kiểu, loại đẹp và xịn hơn hẳn chén dĩa ăn mỗi ngày trong kệ chén dưới bếp, vì đám tiệc có họ hàng, khách khứa, phải lựa ly, chén đẹp nhất. Có gia đình cẩn thận giữ được qua nhiều thế hệ, mớ chén dĩa bên trong tủ thờ thuộc hàng đồ cổ, mà lỡ tay bể cái nào thì khó mà mua bù vào được, vì từ kiểu dáng chén đến màu sắc, chất men… gần như đã thất truyền.

Cái tủ cũng không quá lớn nhưng gói ghém cả một “gia tài” cũng bởi lôi hết mớ chén dĩa bên trong ra là đủ một cái đám giỗ quê nhà. Xong đám giỗ, chén dĩa rửa sạch, phơi nắng, lau khô thêm một lần nữa, má kiểm kê lại từng cái một rồi chất vào tủ, cứ thế mà mớ “gia tài” được nội dặn má giữ, má dặn lại chị Hai, chị Ba rồi chị Hai, chị Ba dặn lại mấy đứa em, phải giữ gìn cẩn thận.

Mỗi bận đám giỗ, tủ thờ cũng là nơi chất chứa tình thương của người lớn trong nhà dành cho sắp nhỏ. Hễ có đứa nào đi làm, đi học không về kịp thì thế nào nội, hay má cũng để lại vài cái bánh ít, mớ trái cây cất một góc trong tủ thờ cho sắp nhỏ… Cũng bởi vậy mà đám nhỏ trong nhà sau đám giỗ hay lục trong tủ thờ, thể nào cũng có chút quà của bà, của má để dành.

Và tủ thờ cũng là nơi chứng kiến những sự kiện quan trọng trong nhà, ngày bà nội về với ông, trên tủ thời lại thêm một di ảnh… Để rồi anh Năm cưới vợ, chị Hai đi lấy chồng, cúi đầu làm lễ gia tiên, hay con Út trong nhà đi học, đi làm trên thành phố, mỗi bận về nhà lại thắp nén nhang cầu ông bà phù hộ.

Năm tháng đi qua, giữa vô vàn sự kiện trong đời, có rất nhiều điều dẫu muốn nhưng người ta vẫn quên, bởi bộ nhớ con người có giới hạn… Và trong rất nhiều điều đã quên, còn đọng lại hẳn là một nếp gia phong thật đẹp. Trong nhịp sống hiện đại, khi mọi thứ không chỉ đủ đầy mà nhu cầu của khách hàng đòi hỏi phải đẹp, phải hay, những cái tủ loại nhất làm bằng gỗ quý rồi cẩn thêm xà cừ trang trọng, có giá vài chục đến trăm triệu đồng là chuyện bình thường, người có điều kiện mua sắm cái một.

Nhưng không phải là cái tủ thờ to hay nhỏ, cẩn xà cừ hay chạm rồng khắc phượng, mà chính là lòng thành, là đạo hiếu mà người ta còn giữ và truyền lại cho con cháu. Một nếp gia phong biết cúi đầu tưởng nhớ ông bà tổ tiên, thì có lẽ muôn đời văn hóa cội nguồn vẫn còn đó. Và trong nhịp sống hiện đại, nơi thị thành khó tìm gia đình có tủ thờ, nhưng dẫu là cái tủ thờ gói ghém cả “gia tài”, hay chỉ là một góc thờ nhỏ, thì mọi giá trị vẫn không thay đổi, bởi còn biết đâu là cội nguồn thì con người ta muôn đời còn mãi lẽ sống yêu thương, đạo hiếu.

Tin cùng chuyên mục