

Đường sắt ngày càng đóng vai trị quan trọng trong phát triển kinh tế ở châu Á.
Các nước châu Á ngày 10-11 đã tiến một bước gần hơn trong việc biến giấc mơ từ nhiều thập niên qua thành hiện thực về việc kết nối châu lục bằng một hệ thống đường sắt.
Tại hội nghị bộ trưởng thường niên về vấn đề giao thông vận tải do Ủy ban kinh tế xã hội LHQ (UNESCAP) tổ chức tại Busan, Hàn Quốc, ngày 10-11, 18 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã ký vào hiệp định liên chính phủ xây dựng mạng lưới đường sắt liên châu Á (TAR).
Đây được xem là dự án nhằm thúc đẩy thương mại và giảm khoảng cách phát triển giữa các nước trong khu vực. Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan trong thông điệp gửi các bộ trưởng giao thông vận tải châu Á cho rằng “những tiến bộ trong giao thông vận tải sẽ khuyến khích tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội”.
Dự án con đường sắt tơ lụa châu Á xuất phát từ ý tưởng con đường tơ lụa trong lịch sử và được LHQ ủng hộ từ năm 1960. Tổng chiều dài của TAR là 81.000km nối liền các thủ đô, cảng, các khu công nghiệp của 28 nước châu Á với châu Âu
Phía Bắc của TAR là hệ thống đường sắt tại Nga và Trung Quốc, phía Nam ở Malaysia, phía Đông ở Hàn Quốc và phía Tây ở Thổ Nhĩ Kỳ. TAR cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho các nước châu Á không có biển (12 nước). Châu Á là nơi tập trung 60% dân số thế giới tạo ra sản lượng kinh tế chiếm 26% toàn cầu.
Giám đốc UNESCAP, ông Kim Hak-Su tin rằng dự án sẽ được thi công trong giai đoạn nửa cuối năm 2007 sau khi có 8 nước phê chuẩn.
V.M. (Theo AFP)