(SGGP).- Vấn đề hậu kiểm doanh nghiệp sau khi đăng ký hoạt động còn bỏ ngỏ, chưa có sự phối giữa các cơ quan chức năng để quản lý doanh nghiệp đóng cửa, giải thể, phá sản là nội dung được nhiều đại biểu và Ban Pháp chế, HĐND TPHCM đặt ra với lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP tại buổi làm việc về tình hình thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2016 tổ chức sáng 27-10.
Hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM. Ảnh: T.L
Theo Sở KH-ĐT, số lượng doanh nghiệp luôn tăng dần qua mỗi năm do có nhu cầu đăng ký doanh nghiệp rất cao. Tính đến tháng 10-2016, TPHCM có trên 280.000 doanh nghiệp và 88.355 đơn vị trực thuộc. Từ khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực, chỉ tính riêng hồ sơ tiếp nhận, hướng dẫn cho doanh nghiệp tại sở khoảng 1.500 hồ sơ/ngày (bình quân mỗi cán bộ, công chức tiếp nhận, xử lý 38 hồ sơ/ngày). Một khó khăn mà lãnh đạo sở này nêu ra, so với năm 2000, năm 2009 số hồ sơ đăng ký kinh doanh được giải quyết tăng 4,7 lần nhưng cán bộ công chức của Phòng đăng ký kinh doanh chỉ tăng 1,92 lần. Hầu hết cán bộ, công chức của Phòng đăng ký kinh doanh đều phải làm thêm giờ hàng ngày, kể cả ngày nghỉ hàng tuần. Hiện tại, với chủ trương tinh giản biên chế đã gây khó khăn cho Sở KH-ĐT trong việc bổ sung thêm nhân sự để cải thiện tình hình trên.
Một thực tế được cán bộ Cục Thuế TP đặt ra, qua theo dõi có 85.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng không kê khai thuế, làm thất thu thuế cho ngân sách nhà nước. Nhiều doanh nghiệp cứ nợ đọng thuế là thành lập doanh nghiệp mới, “thay tên đổi chủ”, tìm cách lách luật dẫn đến địa phương không thu được thuế. Vị cán bộ này cũng đơn cử, có một doanh nghiệp ở quận 2 thành lập 37 công ty con như vậy việc quản lý hoạt động loại doanh nghiệp này là rất khó khăn. Còn đại diện TAND TPHCM cho hay, có nhiều vụ án kiện dân sự mà tòa án không thể tìm được doanh nghiệp vì không biết doanh nghiệp đi đâu và thực tế chỉ còn tên tại… Sở KH-ĐT. Cán bộ này cũng đề nghị TP đẩy mạnh tăng cường hậu kiểm doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phá sản, giải thể nhằm quản lý tốt hơn hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Phạm Hiếu Nghĩa, Phó ban Pháp chế HĐND TP, đặt vấn đề với Sở KH-ĐT: “Vậy Sở KH-ĐT có giải pháp gì để giải quyết trường hợp 85.000 doanh nghiệp đã được cấp phép nhưng không nộp thuế, vấn đề quyền lợi và lương của người lao động làm việc ở các doanh nghiệp này sẽ được xử lý ra sao?”. Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP, giải thích, theo quy định doanh nghiệp ngưng hoạt động 1 năm thì Sở KH-ĐT và Cục Thuế TP mới thu hồi giấy phép, còn việc kiểm tra “sức khỏe” doanh nghiệp vẫn chưa được Sở KH-ĐT đề cập đến. Bà Mai thông tin thêm, tính đến ngày 27-10 có 26.000 doanh nghiệp mới được thành lập nhưng cũng có 3.100 doanh nghiệp giải thể.
Công tác cải cách hành chính tại Sở KH-ĐT cũng được các đại biểu ghi nhận, biểu dương. Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Sở KH-ĐT đã rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp từ 9 ngày xuống còn 4 ngày. Sắp tới sở sẽ triển khai đăng ký kinh doanh “4 trong 1” bằng cách phối hợp với Bảo hiểm Xã hội TP triển khai chương trình cấp mã số bảo hiểm xã hội đồng thời cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, gồm thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục thông báo mẫu con dấu, thủ tục đăng ký thông tin thuế và thủ tục đăng ký mã số bảo hiểm xã hội trong một lần đăng ký.
Ông Trương Lâm Danh, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP, nhắc nhở và đề nghị Sở KH-ĐT chủ động phối hợp với các sở, đơn vị chức năng nâng cao công tác hậu kiểm, không để tình trạng “cấp phép kinh doanh 3 ngày, nhưng quản lý hết 8 tháng”. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở KH-ĐT phải nhìn nhận thực tế những hạn chế yếu kém trong công tác hậu kiểm để đưa ra giải pháp phối hợp cùng các sở, ngành hậu kiểm doanh nghiệp một cách thực chất, có hiệu quả. Sở KH-ĐT mạnh dạn đề xuất, có kiến nghị cụ thể để TP, Trung ương sửa quy định và luật có liên quan.
Vân Anh