Phản hồi bài báo “Mê hồn trận” trạm thu phí:
Báo SGGP ra ngày 11-5 có bài “Mê hồn trận” trạm thu phí", phản ánh tình trạng trạm thu phí dày đặc ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, lộ trình tăng phí bất hợp lý dường như đã quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp. Trước những ý kiến cho rằng các chính sách về dự án BOT (Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) còn quá nhiều bất cập, trong đó quyền lợi của người dân, doanh nghiệp vận tải chưa được xem xét kỹ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường (ảnh) đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với phóng viên Báo SGGP xung quanh vấn đề này.
° Phóng viên: Mặc dù Bộ GTVT khẳng định các trạm thu phí đều được thực hiện đúng quy định thế nhưng trên thực tế là các doanh nghiệp vẫn “kêu trời” vì mật độ các trạm thu phí dày đặc, nhiều nơi cự ly cũng không đủ 70km/trạm, Thứ trưởng có thể giải thích rõ hơn về thực trạng này?
° Thứ trưởng NGUYỄN HỒNG TRƯỜNG: Phải khẳng định rằng việc thành lập các trạm thu phí của các dự án BOT đều đã tuân thủ đúng quy định của Bộ Tài chính, có sự đồng thuận của địa phương liên quan. Các cơ quan chức năng đã tính toán, trên cùng 1 tuyến đường, cơ bản các trạm vẫn cách nhau 70km. Tuy nhiên, vẫn còn có 1 số trạm có cự ly dưới 70km là do không có vị trí hợp lý để đặt, nếu đặt lại rơi vào đô thị. Bên cạnh đó, một số nơi chưa đảm bảo tiêu chí cự ly trong bán kính 50km không được có quá 3 trạm thu phí.
° Nguyên tắc của các dự án BOT là phải thỏa mãn quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, tuy nhiên, với mật độ trạm thu phí, mức thu và lộ trình tăng phí như hiện nay, có cảm giác rằng quyền lợi của người dân chưa được bảo đảm trong các hợp đồng BOT.
° Trong quá trình thực hiện các dự án BOT, Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan đều tính kỹ đến quyền lợi các bên trong đó có quyền lợi của người dân và sức chịu đựng của các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, việc triển khai các dự án BOT trong thời gian qua còn nhiều bất cập và chúng tôi phải vừa làm vừa đúc rút ra những bài học. Ví dụ, trong chính sách đầu tư, đáng lẽ ra phải có sự hỗ trợ của nhà nước, cụ thể là hỗ trợ về giải phóng mặt bằng (GPMB), bởi nếu nhà đầu tư được bàn giao mặt bằng sạch, suất đầu tư sẽ giảm xuống. Có dự án công tác GPMB chiếm tới 1/4 tổng chi phí, dẫn đến nhà đầu tư phải bỏ vốn lớn, suất đầu tư tăng nên đương nhiên mức thu phí phải tăng theo. Bên cạnh đó, chúng ta đã có những văn bản pháp quy như Nghị định 108, Nghị định 15 về đầu tư theo hình thức BOT. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có các thông tư hướng dẫn đầy đủ, các bộ ngành vừa làm vừa xin ý kiến nên chưa chuẩn hóa trong quá trình đầu tư.
° Thiếu minh bạch trong hoạt động đầu tư, thực hiện thu phí tại các dự án BOT cũng được cho là những nguyên nhân khiến cho mật độ các trạm thu phí dày đặc và mức thu phí cao, nhất là khi mới đây một cổ đông đã kiện cáo khi cho rằng nhà đầu tư cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ không minh bạch trong thu phí?
° Các dự án BOT cũng là tiền của dân, phải tuân thủ quy trình quy phạm đầu tư, chịu sự thanh tra kiểm tra của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, như tôi đã nói, thời gian vừa qua, việc thực hiện các dự án BOT còn nhiều vấn đề cần được xem xét lại. Về cự ly các trạm, cần xem xét quy định 70km/trạm đã hợp lý chưa, hay phải tăng lên 100km/trạm? Về mức thu hiện hành và lộ trình tăng phí, nếu mức phí là quá cao thì cần xem xét theo hướng kéo dài thời gian thu phí để giảm mức thu xuống, ví dụ dự án thu 20 năm để hoàn vốn thì kéo ra 30 năm, lộ trình 3 năm tăng phí/lần cũng cần xem lại có hợp lý không hay phải kéo dài đến 5 năm. Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ hơn nữa công tác thực hiện đầu tư để giảm giá thành, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường giám sát, sử dụng những công cụ giám sát hiện đại, độ chính xác cao để đảm bảo minh bạch trong công tác thu phí, nếu dự án hiệu quả thấp thì Nhà nước tìm cách hỗ trợ nhà đầu tư, nếu dự án hiệu quả cao thì thời gian thu phí có thể sẽ được rút ngắn lại để giảm gánh nặng cho người dân.
Thu phí đường bộ tại trạm thu phí Xa lộ Hà Nội. Ảnh: CAO THĂNG
° Trong thời gian tới, các dự án BOT có còn được coi là để “phép màu” thay đổi hạ tầng giao thông nữa hay không?
° Bộ GTVT vẫn xác định BOT là một hình thức đầu tư quan trọng. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, một số vấn đề lớn nổi lên sẽ được xem xét lại một cách thấu đáo để phát huy hiệu quả của hình thức đầu tư này. Hiện Bộ GTVT đang rốt ráo chuẩn bị cho hội nghị tổng kết 5 năm triển khai các dự án BOT, dự kiến sẽ tổ chức trong quý 2-2016, trong đó, những nội dung chính sẽ được đề cập đến là, đánh giá lại chủ trương đầu tư các dự án BOT, tổng thể quy hoạch các trạm thu phí trên cả nước để xem xét việc phân bổ các dự án có phù hợp với các vùng kinh tế, hệ số sử dụng của các doanh nghiệp vận tải hay không. Bên cạnh đó, sẽ rà soát, bổ sung các thủ tục pháp lý cho đầy đủ, vừa tạo thuận lợi vừa nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia vào dự án BOT.
° Xin cảm ơn Thứ trưởng!
BÍCH QUYÊN (thực hiện)
>> Mê hồn trận” trạm thu phí