Còn nhiều khoảng hở trong bảo vệ trẻ em

Ngày 9-6, HĐND TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi, chủ đề “Bảo vệ trẻ em - thực trạng và giải pháp”. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM tham dự.
Còn nhiều khoảng hở trong bảo vệ trẻ em

Người xâm hại trẻ đa số là người quen

Điều hành chương trình, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải cho biết, TPHCM có 2,1 triệu trẻ em (chiếm 20% tổng dân số TP). Từ năm 2017 đến nay, TP khởi tố 144 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Bình quân mỗi tháng, TP khởi tố 5 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Một con số rất đáng báo động. Theo ban tổ chức chương trình, tình hình trẻ em bị xâm hại đang tăng cả số vụ lẫn tính chất nghiêm trọng, phức tạp. Trong 170 vụ bạo lực, xâm hại xảy ra trong 27 tháng qua có gần 87% là xâm hại tình dục, 85% nạn nhân là trẻ em gái.

Đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là nam giới tuổi từ 18-30. Luật sư Nguyễn Văn Hậu xót xa: “Có tới 20% vụ xâm hại trẻ em, kẻ xâm hại lại chính là cha ruột, cha dượng, chú ruột; hơn 60% vụ việc xâm hại, kẻ xâm hại là hàng xóm, người thân quen. Các đối tượng có khi xâm hại cả trẻ mới có mấy tháng tuổi. Đây là sự mất nhân tính của con người”. Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng 144 vụ được TP khởi tố mới là phần nổi của tảng băng trẻ em bị xâm hại. Trong khi đó, ông Nguyễn Nhật Nam, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM, cho hay, nhiều vụ việc trẻ bị xâm hại vẫn chưa được phát hiện kịp thời; có vụ án đã khởi tố, điều tra, truy tố, sau đó phải tạm đình chỉ, hoặc đình chỉ điều tra.

Nói về những kẽ hở trong bảo vệ trẻ em, bà Phan Thị Thanh Phương, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM, cho rằng việc tuyên truyền mới chỉ tập trung cho đối tượng là học sinh trung học, nhưng trên thực tế trẻ mầm non, tiểu học lại là đối tượng có nguy cơ cao bị xâm hại. Khi xảy ra vụ việc, sự phối hợp liên ngành để xử lý cũng còn lúng túng. “Việc vận hành quy trình hỗ trợ, can thiệp xử lý với trẻ bị xâm hại còn thiếu đồng bộ; vẫn còn tình trạng nạn nhân phải đi lòng vòng nhiều nơi để giám định, nên gây ra sự bức xúc”, bà Trần Hải Yến, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, bổ sung. Theo bà Trần Hải Yến, trẻ bị xâm hại là nỗi đau của bản thân, gia đình và xã hội; hành trình đi tìm công lý của nạn nhân còn nhiều khó khăn, làm nỗi đau nhân đôi.

Pháp luật phải được thực thi trên thực tế 

Trong chương trình, các đại biểu đã góp nhiều giải pháp để bảo vệ trẻ em tốt hơn. Ông Nguyễn Nhật Nam đề nghị nhà trường cần truyền tải các kỹ năng cần thiết cho trẻ em ngay từ cấp học mẫu giáo, giúp các trẻ em có kiến thức cơ bản để phòng ngừa, tự vệ. Các cơ quan tố tụng cần phối hợp chặt chẽ hơn, xử lý vụ việc càng sớm càng tốt. Ở phía ngành công an, Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM, cho biết, Công an TPHCM tiến hành đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, quản lý các đối tượng có tiền án tiền sự về bạo lực, xâm hại trẻ em; hoặc có biểu hiện như thường xuyên rượu bia, bê tha, sống lệch chuẩn. Trong các bước tiếp nhận, xác minh, giải quyết các tin báo tố giác xâm hại trẻ em, Công an TPHCM thực hiện các việc như: cử cán bộ điều tra có kinh nghiệm, ưu tiên nữ điều tra viên, mời cán bộ trợ giúp pháp lý, tâm lý, áp dụng kỹ năng thân thiện trong lấy lời khai. Chậm nhất trong 24 giờ khi tiếp nhận vụ việc, công an phường, xã, thị trấn phải xử lý ban đầu, rồi chuyển công an quận, huyện điều tra. 

Với người dân, Trung tá Lê Mạnh Hà đề nghị bản thân mỗi người nên trang bị cho mình kiến thức nhận diện hành vi xâm hại trẻ em, từ đó có biện pháp chủ động phòng ngừa và tố giác kịp thời. Nếu xảy ra vụ việc xâm hại, người dân cần hết sức lưu ý giữ gìn hiện trường, bảo vệ chứng cứ như không nên tắm rửa, không giặt đồ… và nhanh chóng trình báo công an. “Người dân cũng không nên tự ý đi giám định, vì nếu đến không đúng đơn vị chức năng, thì kết quả giám định cũng không sử dụng được, phải giám định lại, dẫn tới bức xúc”, Trung tá Lê Mạnh Hà nhắn nhủ.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị, đối với những tội phạm về xâm hại trẻ em cần phải có chế tài nặng hơn, kèm theo những biện pháp để ngăn chặn khả năng tái phạm. Thậm chí, cần thiết phải quy định xử lý đối với những người chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt. Và điều quan trọng là pháp luật phải được thực thi trên thực tế. Hiện nay, về cơ sở pháp lý còn thiếu chặt chẽ, như việc sờ mó hay chạm vào trẻ em, vào các vùng nhạy cảm của trẻ em thì chưa đủ các yếu tố để cấu thành tội theo Bộ luật Hình sự. Trước thực trạng đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã dự thảo Nghị quyết hướng dẫn các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và 147 Bộ luật Hình sự về tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Luật sư Nguyễn Văn Hậu hy vọng nghị quyết ra đời sẽ là cơ sở pháp lý để xử lý các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.

Khi phát hiện vụ việc xâm hại trẻ em, người dân cần báo ngay tới một trong các nơi: UBND phường, xã, thị trấn; cơ quan công an; cơ quan LĐTB-XH; hoặc điện thoại tới tổng đài 111 (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em); 113, 1900545559 (Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TPHCM); 18009069 (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM).


Ông TRẦN NGỌC SƠN, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM

Tin cùng chuyên mục