Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 3 (dự kiến khai mạc ngày 13-9 tới).
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trình bày tóm tắt báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp và thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội (về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành năm 2021).
Theo đó, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác xây dựng thi hành pháp luật và cải cách thủ tục hành chính. Các văn bản được ban hành đảm bảo đúng thẩm quyền, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản đảm bảo tính thống nhất. Công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc ban hành văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, nhất là những lĩnh vực có tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng với chủ trương, đường lối của Đảng, đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành chủ động, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết đã đạt được những kết quả tích cực. Các đại biểu đặc biệt ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất (Nghị quyết số 30/2021/QH15) của Quốc hội để chủ động, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên các đại biểu lưu ý, mặc dù tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết đã từng bước được khắc phục, nhưng đến nay vẫn còn “nợ” 8 văn bản. Để khắc phục, đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để xảy ra tình trạng chậm, “nợ” văn bản. Báo cáo của Chính phủ cũng cần bổ sung, làm rõ kết quả thực hiện, làm rõ những chuyển biến rõ nét trong thực tế trong việc tăng cường công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong từng năm.
Các ý kiến cũng đặt vấn đề xây dựng văn bản hướng dẫn về quy trình, thủ tục hoạt động giám sát bằng hình thức xem xét báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, trong đó xác định tiêu chí đánh giá cụ thể về công tác tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, quy định cụ thể về trình tự phối hợp thẩm tra ở Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.