Công bằng và cạnh tranh

Thị trường rạp chiếu phim một lần nữa lại nổi sóng bởi câu chuyện phim Việt bị “chèn ép” khi ra rạp. Và mới đây, một nhà sản xuất (NSX) đã có động thái rất mạnh mẽ để phản đối sự không công bằng ấy bằng việc rút phim ra khỏi rạp ngay trong thời điểm phim đang công chiếu.  

Điện ảnh Việt không phải chưa có tiền lệ NSX rút phim khi đang công chiếu nhưng rút phim vì lý do bị chèn ép suất chiếu như trường hợp phim Võ sinh đại chiến mới đây là khá hiếm hoi. Được đầu tư kinh phí lên đến 21 tỷ đồng (không tính chi phí quảng bá) nhưng sau tuần đầu công chiếu phim chỉ thu về hơn 1,3 tỷ đồng. 

Theo NSX phim Võ sinh đại chiến, phim nhận được phản hồi tốt từ khán giả và giới chuyên môn nhưng ngay trong tuần chiếu mở màn “phim bị chủ rạp ép suất, nhét vào toàn giờ xấu như 8 giờ 30, 12 giờ 30, 23 giờ 30”. 

Thống kế của chuyên trang phòng vé Box Office Vietnam cũng chỉ ra rằng, những phim thắng thời gian gần đây như Chị Mười Ba - 3 ngày sinh tử, Wonder Woman 1984… luôn có tỷ lệ suất chiếu khung 20 giờ (giờ vàng) cao nhất. Trong khi đó, Võ sinh đại chiến hay Người cần quên phải nhớ lại có số suất chiếu nhiều nhất ở khung giờ rất ít người ra rạp: 12 giờ trưa. Đây cũng là mẫu số chung cho các phim thành - bại của thị trường điện ảnh Việt. 

Câu chuyện “chèn ép” suất chiếu vốn không lạ lẫm. Theo quy luật thông thường, việc xếp suất chiếu sẽ được thực hiện sau khi bộ phận kiểm định phim của rạp test (xem trước) và định hướng suất chiếu cho từng bộ phim ở từng cụm rạp khác nhau. Do đó, để tuần đầu tiên phim được có các suất chiếu “vàng” cần nhiều lý do: chất lượng; khâu truyền thông quảng bá tốt để tăng độ tương tác và nhận diện; hiệu ứng khán giả… Thực tế, không phải lúc nào cũng có sự phân bổ đều suất chiếu trong những khung giờ “vàng” ở tuần đầu tiên cho các phim. 

Và tất nhiên, khi phim đã công chiếu, lượng suất chiếu sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào sự đón nhận của khán giả thông qua tỷ lệ lấp đầy rạp chiếu. Nhưng trong cùng thời điểm có 2 hoặc nhiều phim Việt ra rạp, các phim có nhà phát hành góp vốn đầu tư luôn được “ưu ái” hơn. Dẫu biết về kinh doanh không sai nhưng vô hình trung đẩy các phim vào cuộc “đấu đá nội bộ”. Các nhà làm phim tử tế, các phim chất lượng không còn cách nào khác đành phải chấp nhận lép vế ngay từ thời điểm bắt đầu cuộc chơi. 

Quy định tỷ lệ suất chiếu - giờ chiếu luôn là vấn đề gây tranh cãi trong Luật Điện ảnh. Ngay cả bài học thành công như tỷ lệ 30% phim truyền hình Việt được chiếu trên khung giờ vàng của các đài truyền hình cũng không thể áp dụng cho điện ảnh.

Đại diện nhà phát hành CGV cho rằng, quy định này chưa phù hợp với xu hướng tự do kinh doanh, thúc đẩy phát triển nền điện ảnh. Đơn cử các yếu tố như chất lượng phim, thị hiếu của người xem, phản ứng của thị trường với bộ phim sẽ quyết định thời gian bộ phim được chiếu tại rạp. 

Điện ảnh là cuộc cạnh tranh “sinh tử”. Đảm bảo công bằng và cạnh tranh trong phát hành luôn là bài toán khó khi thị trường luôn tồn tại những “quy luật ngầm”. Tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Luật Điện ảnh (sửa đổi), NSX Mai Thu Huyền cho rằng, trong tuần đầu công chiếu nên chăng có sự sắp xếp suất chiếu hợp lý để đảm bảo công bằng cho tất cả các phim.

Phim điện ảnh cũng nên có quy định chiếu giờ “vàng” để đảm bảo cạnh tranh, đặc biệt với phim nước ngoài, dẫu biết các nhà phát hành cũng phải tính đến bài toán kinh doanh. Đề xuất được đưa ra là phim Việt nên được hỗ trợ số lượng suất chiếu tối thiểu/ngày/rạp trong thời gian 3 ngày đầu ra mắt. Sau đó, phim có thể rời rạp chiếu nếu không có khán giả. Đây là động thái giúp các nhà làm phim thu hồi vốn, tiếp tục tái đầu tư. 

Rõ ràng, nếu chia đều giờ chiếu, suất chiếu cho các phim mới ra rạp và điều chỉnh dựa trên cung - cầu sau 3-5 ngày, cuộc chơi sẽ bình đẳng và văn minh hơn. Cơ hội lúc ấy sẽ công bằng hơn, đặc biệt cho các nhà làm phim mới, phim độc lập. Thế nhưng, khi thế độc quyền trong thị trường phát hành vẫn chưa bị phá vỡ thì câu chuyện công bằng cho phim Việt dường như vẫn là quá khó…

Tin cùng chuyên mục