Công bằng với phim tài liệu

Từ trường hợp mới nhất của bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương, chuyện cũ nói lại, đến bao giờ những bộ phim tài liệu mới đường hoàng ra rạp và để khán giả tự quyết định số phận của nó, giống như phim điện ảnh.
Công bằng với phim tài liệu

Chính thức phát hành thương mại từ ngày 17-3, đến ngày 5-4, bộ phim Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn 9X, người dân tộc Tày - Hà Lệ Diễm đã cán mốc doanh thu hơn 1,7 tỷ đồng. Doanh số này không lớn đối với một phim Việt. Nhưng, ngay cả khi so sánh với nhiều tác phẩm điện ảnh đình đám trước đó, được đầu tư triệu USD kinh phí sản xuất, quảng bá rầm rộ nhưng chỉ thu về vài chục đến vài trăm triệu đồng, nó vẫn là một thành tích ấn tượng. Và, càng đáng nể hơn, đây là bộ phim tài liệu hiếm hoi trong vài năm qua gây tiếng vang tại các rạp chiếu Việt dưới hình thức phát hành thương mại.

Trong hành trình ra rạp lần này, Những đứa trẻ trong sương có những thuận lợi nhất định. Tiếng vang từ vô số giải thưởng quốc tế, đặc biệt khi là phim Việt đầu tiên lọt vào danh sách đề cử rút gọn, tốp 15 phim tài liệu hay nhất tại Oscar 2023 đã khiến giới mộ điệu trong nước tò mò và chờ đón. Tuy nhiên, nếu bản thân bộ phim không đủ sự chân thật, hấp dẫn và lôi cuốn, chắc chắn nó không thể tạo nên hiệu ứng truyền miệng khiến các cụm rạp khác nhau đồng ý mở thêm suất chiếu cho bộ phim.

Nhưng, như chính Hà Lệ Diễm từng chia sẻ: “Mãi bọn em mới kiếm được rạp chiếu, hành trình đến với khán giả của bộ phim không ít gian nan”. Từ những suất chiếu mang ý nghĩa tri ân, chính khán giả đã đặt hàng để bộ phim được khởi chiếu rộng rãi hơn. Và cũng nhờ hiệu ứng “hữu xạ tự nhiên hương”, sau đó có thêm các hệ thống rạp đồng ý mở rộng quy mô suất chiếu và phim hiện vẫn trụ rạp ở tuần thứ 4. Hầu hết phim tài liệu Việt trước đây đều phải đi đường tắt, đường vòng để đến với khán giả.

Thực tế, không phải nhà sản xuất nào sau khi hoàn thành tác phẩm cũng đủ tiềm lực để đưa bộ phim đi theo con đường phát hành thương mại, vốn tiêu tốn con số hàng tỷ đồng phí phát hành. Điện ảnh Việt cũng chưa có hệ thống rạp chiếu đặc biệt cho dòng phim nghệ thuật nên để ra rạp càng khó hơn. Những Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân, Đi tìm phong, Chuyện ngày hôm qua, Những cánh én đầu tiên, Đoạn trường vinh hoa… đều cho thấy nỗ lực sản xuất được tính bằng vài năm nhưng con đường ra rạp quá chông gai. Đã ít về số lượng, có khi phải mất vài năm mới có một tác phẩm được ra mắt lại gặp khó trăm bề từ sản xuất đến phát hành.

Nếu không thật sự tâm huyết, có mấy nhà làm phim dám nỗ lực theo đuổi giấc mơ phim tài liệu? Và, sự thiếu hụt này, nhìn ở phương diện nào cũng gây nên điều đáng tiếc, với những người làm nghề, với khán giả và cả nền điện ảnh.

Tin cùng chuyên mục