(SGGP).- Chiều 29-8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp báo, công bố các thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai. Trước đó, tại buổi làm việc ngày 13-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo bộ này công bố bộ thủ tục ngay trong tháng 9-2014.
Theo thông tin tại cuộc họp báo, ngày 27-8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quyết định công bố các thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai. Về số lượng, TTHC đã giảm đi đáng kể. Tổng số TTHC về đất đai công bố là 41 TTHC đối với nơi đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai một cấp (giảm 30 TTHC so với công bố trước đây) và là 62 TTHC đối với nơi chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai một cấp (giảm 9 TTHC so với công bố trước đây). Quyết định nêu rõ, cơ quan đăng ký không được yêu cầu người sử dụng đất phải nộp bất kỳ loại giấy tờ nào khác ngoài quy định.
Về thời gian thực hiện, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định tổng thời gian giải quyết đối với từng TTHC về đất đai theo hướng giảm thời gian thực hiện hơn so với trước đây. Nghị định không quy định về thời gian thực hiện từng bước trong TTHC mà giao UBND cấp tỉnh quy định để phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Để đẩy mạnh cải cách TTHC về đất đai, trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc đôn đốc, hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương kiện toàn và tổ chức lại Văn phòng đăng ký đất đai, Tổ chức phát triển quỹ đất một cấp trước ngày 31-12-2014.
Kết quả thí điểm thực hiện mô hình Văn phòng đăng ký đất đai một cấp trong 2 năm qua đã chứng minh về việc giảm thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp GCN trên thực tế; đối với nhiều loại TTHC đã từ 1/3 đến 1/2 thời gian thực hiện so với trước đây.
Thí điểm tại tỉnh Hà Nam, thời gian cấp GCN lần đầu giảm từ 33 ngày xuống còn 12 ngày, cấp chứng nhận quyền sở hữu tài sản giảm từ 30 ngày xuống còn 8 ngày; tại thành phố Đà Nẵng, thời gian cấp GCN lần đầu giảm từ 33 ngày xuống còn 15 ngày, đăng ký biến động giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, cấp đổi GCN giảm từ 20 ngày xuống còn 7 ngày.
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình xử lý biến thế và chất thải có PCB tại cảng Cái Lân (tỉnh Quảng Ninh), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng khẳng định, vụ việc đã được phát hiện và khẳng định từ năm 2007. Công ty cổ phần Đầu tư Cửu Long Vinashin (nay là Công ty đầu tư Cửu Long) đã thừa nhận trách nhiệm và cam kết chịu toàn bộ chi phí vận chuyển, xử lý lô hàng này. Số hàng này sẽ được chuyển đến lưu giữ tại Nhà máy xử lý chất thải nguy hại tại Cẩm Phả của Công ty Môi trường thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam dưới sự giám sát của UBND tỉnh Quảng Ninh và các ban ngành có liên quan.
Trong vòng 1 - 2 tháng sau, Công ty Cửu Long sẽ trình phương án xử lý số chất thải này. Tổng cục Môi trường đang và sẽ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh giám sát chặt chẽ vụ việc. Tuy nhiên, theo ông Tùng hiện nay chất thải đang được lưu giữ trong các container vững chắc và “hoàn toàn không có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”.
ANH THƯ