Công bố Đường dây nóng hỗ trợ bảo vệ trẻ em tại Đà Nẵng

Chiều 29-6, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng tổ chức công bố Đường dây nóng hỗ trợ bảo vệ trẻ em tại thành phố Đà Nẵng qua Tổng đài Dịch vụ công Đà Nẵng (Tổng đài 1022).

Tổng đài 1022 Đà Nẵng sẽ triển khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh và tư vấn về bảo vệ trẻ em với nhiều kênh
Tổng đài 1022 Đà Nẵng sẽ triển khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh và tư vấn về bảo vệ trẻ em với nhiều kênh

Theo đó, Tổng đài 1022 Đà Nẵng sẽ triển khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh và tư vấn về bảo vệ trẻ em qua các kênh, gồm: Tổng đài thoại (0236) 1022 - nhánh số 6: hoạt động tất cả các ngày trong tuần (kể cả ngày Lễ); Cổng Góp ý Đà Nẵng (https://gopy.danang.gov.vn/) tại chuyên mục “Bảo vệ trẻ em”; Fanpage Zalo “Tổng đài 1022 Đà Nẵng” (chuyên mục Bảo vệ trẻ em); Fanpage Facebook “Tổng đài 1022” với ứng dụng Chatbot tương tác, cung cấp thông tin tự động.

Về nội dung, phạm vi, Tổng đài 1022 sẽ cung cấp, tư vấn, giải đáp thông tin các văn bản, quy định, chính sách, các hướng dẫn, khuyến nghị về công tác bảo vệ trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền lợi trẻ em; phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em…

Đây là kênh kết nối hiệu quả giữa người dân và chính quyền các cấp
Đồng thời, Tổng đài còn tư vấn cho các bậc phụ huynh về các ứng dụng phần mềm quản lý việc truy cập Internet của con em mình nhằm ngăn ngừa trẻ em và thanh thiếu niên tiếp cận các thông tin xấu, có hại, góp phần bảo vệ các em khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng.

Đối với các yêu cầu cần sự tư vấn, tham vấn chuyên sâu về tâm lý, pháp luật và những vấn đề đặc thù khác liên quan đến trẻ em; các trường hợp trẻ bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trường hợp trẻ cần được áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp, Tổng đài 1022 sẽ liên thông với Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Đà Nẵng và Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em (111) tại Đà Nẵng để phối hợp xử lý.

Ông Nguyễn Văn Quốc, giám đốc Tổng đài 1022 cho biết, nhiều năm qua, Tổng đài 1022 có lợi thế là đầu mối giải đáp thông tin, tiếp nhận phản ánh kiến nghị của tổ chức, công dân trên địa bàn, được nhiều người dân thành phố biết đến. “Khi triển khai, nó sẽ là kênh bổ trợ những hoạt động của tổng đài 111”, ông Quốc nhìn nhận.

Dịp này, Tổng đài 1022 và Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Đà Nẵng cũng tiến hành ký kết Quy chế phối hợp trong tiếp nhận, xử lý các ý kiến phản ánh, góp ý về lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên địa bàn Đà Nẵng.

Các đơn vị ký kết Quy chế phối hợp trong tiếp nhận, xử lý các ý kiến phản ánh, góp ý về lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên địa bàn Đà Nẵng
Về cơ chế hoạt động giám sát, đại diện Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Đà Nẵng cho hay, các đơn vị sẽ cùng nhau đánh giá lại các hoạt động, những kinh nghiệm để trả lời những câu hỏi liên quan về bảo vệ trẻ em với tần suất khoảng 3 tháng/ 1 lần.

“Trong quá trình xử lý thông tin, các đơn vị thường xuyên trao đổi thông tin để cập nhật tình hình, kết quả xử lý để phản ánh lại cho người dân, với những vụ việc vượt tầm thẩm quyền chúng tôi sẽ báo cáo với cấp trên để cùng đưa ra hướng giải quyết phù hợp”, đại diện Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Đà Nẵng chia sẻ.

Được biết, đường dây nóng hỗ trợ bảo vệ trẻ em tại thành phố Đà Nẵng được Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng thiết lập trên cơ sở triển khai hợp phần Dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng”. Dự án do tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam triển khai với sự tài trợ của Quỹ Chấm dứt Bạo lực Trẻ em (EVAC Fund), được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt tiếp nhận theo Quyết định số 4203/QĐ-UBND ngày 20-9-2018.

Tin cùng chuyên mục