Công khai, minh bạch, hài hòa trong thu phí sử dụng tạm vỉa hè

Đến nay, các địa phương trên địa bàn TPHCM đang rốt ráo rà soát, chuẩn bị để triển khai công tác thu phí sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè nhằm đảm bảo minh bạch, hài hòa quyền lợi của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn theo chỉ đạo của thành phố.

Vỉa hè trên địa bàn quận 1 (TPHCM) được kẻ vạch sơn phân chia phần dành cho người đi bộ và phần để xe hai bánh. Ảnh: THU HƯỜNG
Vỉa hè trên địa bàn quận 1 (TPHCM) được kẻ vạch sơn phân chia phần dành cho người đi bộ và phần để xe hai bánh. Ảnh: THU HƯỜNG

Đo đạc, kẻ vạch hàng loạt tuyến đường

Làm nghề chạy xe ôm, ông Nguyễn Văn Đoàn (ngụ đường Hoàng Sa, quận 1) không khó để nhận thấy sự thay đổi trên nhiều tuyến vỉa hè của quận. “Gần đây, tôi thấy địa phương tổ chức đo vỉa hè rồi kẻ vạch, nhiều điểm bán hàng đã sắp xếp hàng hóa, xe cộ ngăn nắp hơn. Bà xã tôi cũng tính đăng ký sử dụng một điểm nhỏ ở vỉa hè đường Nguyễn Hữu Cầu (phường Tân Định, quận 1) để kinh doanh. Hy vọng với chủ trương này, việc buôn bán của gia đình tôi ổn định hơn, không phải vừa bán vừa chạy như ngày trước”, ông Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh, quận đã chỉ đạo chủ tịch UBND 10 phường khảo sát, lập danh sách cụ thể từng tuyến đường, từng đoạn đường để thông tin đến người dân. “Hiện nay, một số phường trong quận đã chủ động đo đạc và kẻ vạch những tuyến đường trong danh mục UBND quận đã gửi Sở GTVT TPHCM, đảm bảo việc sử dụng đúng quy định, chừa lối đi cho người đi bộ”, ông Lê Đức Thanh thông tin.

Theo Chủ tịch UBND quận 1, doanh nghiệp, hộ kinh doanh có nhu cầu sử dụng một phần vỉa hè phục vụ hoạt động kinh doanh trước địa chỉ cơ sở có thể gửi hồ sơ đến UBND quận 1 để được xem xét phê duyệt. Trong hồ sơ nêu rõ vị trí, diện tích cần sử dụng, các phương án để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp chỉ được đăng ký sử dụng vỉa hè trước cơ sở, không được sử dụng phần vỉa hè trước nhà người khác hoặc cơ sở khác. Khi tiếp nhận hồ sơ, các phường sẽ hướng dẫn cụ thể cho người dân. “Đây là hoạt động quản lý nhà nước về trật tự đô thị, không phải cho thuê vỉa hè nên không phải ai thấy nơi nào rộng đến thuê cũng được”, ông Lê Đức Thanh nhấn mạnh.

Riêng các trường hợp có nhu cầu sử dụng hè phố để trung chuyển vật liệu phục vụ công trình xây dựng thì phải được cấp giấy phép sử dụng tạm thời hè phố theo quy trình do UBND quận 1 ban hành.

Trong khi đó, quận 3 cũng đã gửi danh sách các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường để Sở GTVT TPHCM thẩm duyệt, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. UBND quận 3 đã giao các phường khảo sát, hướng dẫn người dân đăng ký sử dụng vỉa hè, các mặt hàng kinh doanh trên vỉa hè. Trước khi thu phí, quận sẽ lấy ý kiến của chủ nhà.

Đại diện lãnh đạo quận 3 nhìn nhận, với đặc thù là quận trung tâm, tất cả nhà mặt tiền đều là cơ sở, hộ kinh doanh dịch vụ, mua bán nên có nhu cầu để xe phía trước hoặc tận dụng một phần diện tích phía trước trụ sở để trưng bày hàng hóa phục vụ kinh doanh. Ngoài ra, trên các tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện bố trí để xe theo quy định, quận sẽ tận dụng những vị trí tường rào của các cơ sở kinh doanh, nhà dân có vỉa hè rộng, gần những khu vực có nhu cầu đậu xe (bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí…) để sắp xếp các bãi giữ xe có thu phí phục vụ nhu cầu người dân.

j4c-4356.jpg
Vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 được kẻ vạch để người dân sử dụng tạm. Ảnh: NGÔ BÌNH

Đã có công văn hướng dẫn các địa phương

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TPHCM, cho biết, sở đã có công văn hướng dẫn thực hiện một số quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố để các đơn vị triển khai. Sở GTVT và UBND cấp huyện rà soát để ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường. Với hoạt động tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa và điểm trông giữ xe có thu phí, các địa phương rà soát xác định phạm vi, lựa chọn và công bố danh mục vị trí hè phố được phép tổ chức thực hiện.

Mới đây, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm đã có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện về thực hiện hiệu quả các quy định quản lý sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường. Theo đó, Sở GTVT đề nghị các địa phương khẩn trương ban hành danh mục các tuyến đường có hè phố cho phép để xe 2 bánh không thu tiền dịch vụ; tiến hành rà soát, lựa chọn một số tuyến đường có lòng đường, hè phố đủ điều kiện sử dụng ngoài mục đích giao thông để triển khai thực hiện có lộ trình, công bố rộng rãi phạm vi, thời gian sử dụng tạm thời. Việc cấp phép, thông qua phương án và thu phí phải thực hiện theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở GTVT đề nghị các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương trong việc giám sát các cá nhân, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện quản lý sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè theo kế hoạch, giấy phép và phương án sử dụng đã được chấp thuận.

Đại diện Sở GTVT nhấn mạnh, việc thu phí vỉa hè, lòng đường phải được công khai, minh bạch, tạo điều kiện để người dân tham gia, kiểm tra, giám sát. Do đó, Sở GTVT và UBND quận, huyện, TP Thủ Đức xem xét cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố theo quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đồng thời, xây dựng phần mềm quản lý công tác thu phí và các thủ tục liên quan, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 6-2024.

Tin cùng chuyên mục