Theo Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bình xịt hơi cay - hơi ngạt, dùi cui điện… là công cụ hỗ trợ - nghiêm cấm tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán. Vậy mà thực tế các công cụ hỗ trợ vẫn đang được công khai rao bán trên các website và mạng xã hội với danh nghĩa là phương tiện tự vệ. Chỉ một vài thao tác đơn giản đặt hàng trên mạng là có thể mua được ngay.
Cần là có
Vào Google, gõ từ khóa “mua đồ tự vệ”, “vũ khí tự vệ”… có thể tìm thấy rất nhiều thông tin rao bán các mặt hàng công cụ để tự vệ và cả để tấn công. Kèm theo đó là những hình ảnh, video, những chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Người bán công khai quảng cáo mặt hàng này trên mạng xã hội Facebook, Zalo… và cho biết sẵn sàng giao hàng trên toàn quốc, chỉ cần liên hệ qua điện thoại. Các loại công cụ này khá đa dạng về mẫu mã, được ngụy trang dưới vỏ bọc là thỏi son, móc khóa, đèn pin, điện thoại di động…
Trong vai người có nhu cầu muốn mua một công cụ tự vệ, chúng tôi liên hệ với một chủ tài khoản Facebook có tên S.B.A.G.R. (địa chỉ tại đường Trần Bình, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang rao bán vũ khí tự vệ. Chủ shop tư vấn: “Bên em có đồ chích điện như thỏi son chích điện, móc khóa chích điện, roi điện, batoong điện, đèn pin chích điện…. Ngoài ra còn có gậy 3 tấc nữa. Giá các dụng cụ này rất rẻ, chỉ từ 200.000 - 1 triệu đồng, trường hợp khách hàng ở TPHCM thì khoảng 1 tuần sau là có hàng và thanh toán sau khi nhận hàng”.
Tiếp tục tìm đến 1 website dungcutuve.info đang rao bán công khai các công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ, đa dạng từ dùi cui điện, bình xịt hơi cay, kiếm Nhật…, chúng tôi gọi số đường dây nóng đặt vấn đề muốn mua 1 dùi cui điện tự vệ để bỏ trong cốp xe máy.
Một người đàn ông trả lời: “Bên em có dùi cui điện loại 20cm, 40cm và 60cm, giá từ 600.000 - 1,5 triệu đồng, sản phẩm chất lượng tốt, sử dụng được lâu”. Chúng tôi hỏi địa chỉ cửa hàng để đến xem và mua cho thuận tiện, người này liền đáp: “Không anh ơi, bên em chỉ bán online thôi, anh thích loại nào cứ tham khảo trên website để đặt hàng, sẽ có người giao đến tận nơi”.
Vi phạm pháp luật
Tuy là mặt hàng cấm, có thể sát thương, nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng các công cụ hỗ trợ lại được rao bán công khai, rất dễ mua. Những người bán dùng các tên gọi nhẹ nhàng cho các công cụ hỗ trợ là “vũ khí tự vệ”, “dụng cụ hỗ trợ”, “dụng cụ bảo vệ”... Phương thức hoạt động chủ yếu của các đối tượng khá giống nhau, thường là bán online, rất kín đáo. Không có địa chỉ cụ thể, chỉ để lại số điện thoại cho khách gọi điện đặt hàng, ngay sau đó sẽ cho người giao đến tận tay hoặc thông qua các dịch vụ bưu chính.
Trong thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ án liên quan đến vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, làm nhiều người thương vong. Một số đối tượng lưu manh, buôn bán hàng cấm…, sử dụng các vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ làm vũ khí, thường xuyên thủ sẵn trong xe, vừa để phòng thân, vừa để tấn công. Những đối tượng cướp giật và chuyên đòi nợ vay nặng lãi dùng vũ khí, công cụ này uy hiếp, trấn lột.
Hiện nay, việc tự chế các vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ khá dễ dàng, trên mạng internet có nhiều bài viết, video clip hướng dẫn làm súng tự chế, dao bấm, kiếm, cách chế tạo thuốc nổ..., một khi kẻ xấu dùng vào các mục đích xấu, sẽ trở thành mối nguy hại cho xã hội.
Phần lớn các mặt hàng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ được nhập lậu từ Trung Quốc, trước đây chủ yếu đưa về các thành phố lớn, nay đã len lỏi đến khắp các vùng quê. Dù Bộ luật Hình sự và Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã có quy định rất rõ việc xử lý pháp luật đối với các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép, hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, biết là vi phạm pháp luật nhưng vì lợi nhuận nên có những đối tượng vẫn bất chấp, chế tạo, mua bán bằng nhiều hình thức rất tinh vi và cả công khai trên mạng. Tiếp cận, theo dõi và bắt quả tang việc giao nhận, mua bán công cụ hỗ trợ không khó, cơ quan cảnh sát điều tra nên lập chuyên án để ngăn chặn, xử lý hành vi buôn bán hàng cấm này.