“Đập đá” là việc sử dụng một loại ma túy tổng hợp tồn tại dưới dạng tinh thể (óng ánh giống như đá). Loại ma túy này có thể đốt hít trực tiếp qua đường mũi. Để thêm cảm giác phê, gây ảo giác mạnh, các dân nghiện thường đốt và hít qua một bộ dụng cụ chuyên biệt có đựng nước sẵn, gọi là coóng hoặc là bình ục. Dụng cụ dùng để sử dụng ma túy là mặt hàng nghiêm cấm mua bán dưới mọi hình thức, nhưng trong thực tế để mua được vẫn không khó.
Trong vai một người mới tập chơi đá, qua mạng xã hội chúng tôi liên hệ với một người đàn ông tên T. (ở quận Bình Thạnh). T. đang giới thiệu có bán nhiều loại dụng cụ thủy tinh dùng cho việc đập đá, với giá từ 200.000 đồng đến cả triệu đồng. T. chào hàng: “Em mới chơi thì nên sử dụng các loại coóng có cấu tạo đơn giản mà giá lại rẻ, khoảng 150.000 đồng/coóng, khi sử dụng chỉ cần cắm vào một bình nhựa tự chế. Còn muốn loại cao cấp, sang trọng, trọn bộ thì có loại bình ục hình con rồng, bình họa tiết, loại này đang được nhiều người hỏi mua, nhưng giá từ 1 - 2 triệu đồng, một bình. Nếu em lấy thì để lại địa chỉ kèm số điện thoại, trong ngày mai sẽ có người giao hàng đến tận nơi, anh bao tiền ship hàng”.
Ma túy đá đang là vấn nạn, hiểm họa khôn lường đối với xã hội, đã và đang cướp đi tương lai của nhiều bạn trẻ. Đã xảy ra nhiều vụ án mạng kinh khiếp, đau lòng trong thời gian qua vì kẻ ngáo đá. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định rõ việc cấm lưu hành, buôn bán dưới mọi hình thức các dụng cụ dùng vào việc sử dụng ma túy. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định để phân biệt các dụng cụ sử dụng ma túy từ hình dạng đến cấu tạo; như thế nào là dụng cụ sử dụng ma túy; chính vì vậy công tác quản lý, xử phạt còn gặp nhiều khó khăn. Cũng do vậy, người bán dụng cụ sử dụng ma túy đá vẫn đang nhởn nhơ kinh doanh phạm pháp, núp bóng dưới dạng dụng cụ y khoa, đồ mỹ nghệ.
Theo quy định tại Điều 254 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, hoặc có số lượng từ 6 - 19 đơn vị dụng cụ, phương tiện, thì bị phạt tù 1 - 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức, phạm tội 2 lần trở trên, lợi dụng chức vụ quyền hạn, vận chuyển qua biên giới, tái phạm nguy hiểm… thì bị phạt tù 5 - 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1 - 5 năm, hoặc tịch thu tài sản. |