
Gần đây, thị trường dược phẩm trong nước thường xuyên có biến động, gây ảnh hưởng tới người dân. Cùng với việc chịu sự tác động của giá cả thị trường thế giới, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao thì sự phát triển chậm, thiếu định hướng cụ thể của ngành công nghiệp dược Việt Nam là một trong những nguyên nhân lớn ảnh hưởng tới thị trường dược phẩm trong nước.
Còn phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu

DN sản xuất thuốc trong nước vẫn phải nhập nhiều nguyên liệu. Ảnh: Q.K.
Theo Cục Quản lý dược Việt Nam, trong vài năm gần đây, ngành dược Việt Nam có sự phát triển khá mạnh. Điều này được thể hiện ở giá trị sản xuất thuốc trong nước liên tục tăng, chỉ tính năm 2007 đã đạt trên 600 triệu USD, chiếm 52,86% giá trị tiền thuốc sử dụng, tăng 16,5% so với năm 2006.
TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam, cho biết, thuốc sản xuất trong nước ngày càng đáp ứng được nhu cầu điều trị, thuốc đăng ký sản xuất đã phủ được 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới.
Trong số 1.500 hoạt chất có trong các thuốc đã đăng ký, số hoạt chất trong các thuốc sản xuất nội địa cũng tăng, từ 380 hoạt chất năm 1999 lên 773 hoạt chất năm 2006. Đến hết tháng 6-2008, có 8.167 số đăng ký thuốc sản xuất trong nước, trong đó số đăng ký tân dược là 6.422, chiếm 78,6%.
Tuy ngành dược có sự phát triển nhưng lĩnh vực công nghiệp dược vẫn còn nhiều tồn tại, phát triển chậm, thiếu định hướng và chưa chủ động được thuốc sản xuất trong nước. Theo Bộ Y tế, mặc dù hiện nay, thuốc sản xuất trong nước chiếm trên 50% thị trường, nhưng có tới 90% nguyên liệu nhập khẩu.
Hơn nữa, công nghiệp dược Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là công nghiệp bào chế đơn giản, hàm lượng kỹ thuật thấp. Nhiều doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước còn phát triển tự phát, đầu tư trùng lặp, thiếu định hướng. Hậu quả là phần lớn doanh nghiệp tập trung sản xuất những loại thuốc thông thường, trong khi đó, có quá ít cơ sở đầu tư sản xuất các loại thuốc có dạng bào chế đặc biệt và thuốc chuyên khoa đặc trị. Bên cạnh đó, dù Việt Nam được đánh giá là quốc gia giàu tiềm năng về nguồn dược liệu nhưng sự kết hợp giữa quy hoạch vùng trồng, khai thác dược liệu với sản xuất thuốc từ dược liệu còn hạn chế dẫn đến phần lớn nguyên liệu phục vụ công nghiệp dược phải nhập khẩu.
Lựa chọn hướng phát triển
Những yếu kém, tồn tại trên của ngành công nghiệp dược Việt Nam đã có những tác động tới thị trường dược phẩm trong nước, đặc biệt giai đoạn từ đầu năm tới nay, khi giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, cùng với biến động của thị trường tiền tệ thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp sản xuất thuốc. Do đó, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, việc làm chủ được thị trường dược phẩm trong nước là vô cùng cần thiết và phải tiến đến việc tự chủ sản xuất một số sản phẩm thuốc thiết yếu, đặc trị.
Một trong những mục tiêu lớn của chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ phát triển công nghiệp hóa dược là dự án sản xuất kháng sinh công suất 300 tấn/năm, dự án sorbitol (một loại đường tự nhiên được dùng nhiều trong công nghiệp dược) 10.000 tấn/năm, dự án nhà máy sản xuất tá dược cao cấp 150 tấn/năm. Năm nay, chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ phát triển công nghiệp hóa dược cũng đã lựa chọn 4 đề tài và 2 dự án đầu tư với tổng kinh phí 23,5 tỷ đồng, trong đó có các dự án đáng chú ý như công nghệ bán tổng hợp kháng sinh, sản xuất tá dược từ cenluloza và các loại tinh bột có sẵn trong nước, sản xuất dầu gấc làm nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng. |
Trước những vấn đề trên, để tìm ra giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược nhằm bình ổn thị trường dược phẩm Việt Nam, Bộ Y tế và Bộ Công thương vừa thống nhất, cần sớm hoàn thành quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa dược và công nghiệp dược.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào đều cho rằng, đối với công nghiệp hóa dược, trước mắt sẽ tập trung xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu kháng sinh và thuốc kháng sinh đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Bởi lẽ đây là một trong những mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất, phổ biến trên thị trường, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải nhập nguyên liệu nhiều nhất.
Gần đây, trong buổi làm việc với các bộ ngành và doanh nghiệp liên quan bàn giải pháp đẩy mạnh chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ phát triển công nghiệp hóa dược, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã khẳng định, phát triển công nghiệp hóa dược là một trong những chương trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng tác động đến việc quản lý mặt hàng thiết yếu là thuốc chữa bệnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu, Tổng Công ty Hóa chất phối hợp với Tổng Công ty Dược sớm lập báo cáo khả thi các dự án trọng tâm của chương trình, đặc biệt là các dự án Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo trực tiếp như dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh bán tổng hợp. Bên cạnh đó, thúc đẩy việc thành lập sớm phòng thí nghiệm chuyên ngành hóa dược và nâng cao đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hóa dược.
Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Cao Minh Quang cũng cho biết, Bộ Y tế đang tiến hành quy hoạch sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước qua việc khảo sát đánh giá thực tế năng lực cụ thể của từng nhà máy. Xây dựng chương trình trọng điểm quốc gia về khoa học công nghệ dược, thành lập viện nghiên cứu dược để thực hiện công tác nghiên cứu phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ dược phục vụ công nghiệp bào chế thuốc.
Trung Kiên