* 4 đề xuất về công tác lãnh đạo, quản lý báo chí của TPHCM
Hôm qua 29-2, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2007 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2008. Tới dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Tô Huy Rứa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và cán bộ ngành tuyên giáo trong cả nước.
Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2007 của Ban Tuyên giáo Trung ương, năm 2007 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng X, tận dụng những lợi thế và vượt lên trên khó khăn, công tác tuyên giáo toàn quốc trong năm qua đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ như: Nắm bắt được tư tưởng chỉ đạo những vấn đề lớn của Nghị quyết Đại hội X; nghiên cứu xây dựng đề án về công tác tư tưởng, lý luận báo chí trước yêu cầu mới; tham mưu giúp Bộ Chính trị ban hành chỉ thị và phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tham mưu giúp Ban Bí thư chuẩn bị đề án thành lập Hội đồng lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương nhiệm kỳ X; làm tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế và công tác thông tin đối ngoại; thường xuyên nắm bắt dư luận xã hội về những vấn đề nổi cộm qua đó dự báo, định hướng công tác tuyên giáo kịp thời, sắc bén hơn...
Những thành tựu đó đã góp phần tạo ra không khí phấn khởi, tin tưởng, tăng thêm tính đồng thuận xã hội, tác động tích cực đến tư tưởng trong Đảng và nhân dân, củng cố niềm tin của các tầng lớp xã hội vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, bên cạnh biểu dương những thành tích đã đạt được, đồng chí Trương Tấn Sang đã nêu rõ những hạn chế, khuyết điểm của công tác tuyên giáo trong năm qua. Theo đó, công tác tham mưu, dự báo tình hình, triển khai thực hiện nhiệm vụ trên một số lĩnh vực còn chậm, lúng túng, chưa theo kịp sự vận động, phát triển của thực tiễn, chưa đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống. Sức thuyết phục, tính chiến đấu của công tác tư tưởng còn hạn chế, việc nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, định hướng tư tưởng và dư luận còn chậm, chưa chủ động giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc trong tư tưởng cán bộ, đảng viên.
“Tình hình đất nước đổi mới, giành được nhiều thành tựu to lớn, nhưng tâm trạng xã hội của một số bộ phận nhân dân chưa vui, còn nhiều bức xúc chậm được giải quyết, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong thế hệ trẻ chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, vẫn là những vấn đề rất đáng quan tâm. Một số hạn chế, khuyết điểm kéo dài trong công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động báo chí vẫn chưa khắc phục được. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiệu quả chưa cao.
Công tác thông tin đối ngoại còn nhiều hạn chế. Sinh hoạt văn hóa trong xã hội, nhất là trong lớp trẻ, vẫn còn những biểu hiện thiếu lành mạnh. Chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các tầng lớp xã hội ngày càng lớn. Chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc nhưng việc giải quyết còn chậm, lúng túng...” - đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh.
Đề cập công tác tuyên giáo năm 2008, bên cạnh nhấn mạnh đến những nhiệm vụ trọng tâm, đồng chí Trương Tấn Sang yêu cầu Ban Tuyên giáo Trung ương phải sớm thảo luận, phân tích sâu sắc, có giải pháp mạnh mẽ để góp phần khắc phục một cách có hiệu quả những hạn chế, yếu kém còn tồn tại.
Đặc biệt, đối với cán bộ tuyên giáo, cần phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa, năng động sáng tạo hơn nữa để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đang đặt ra. Mỗi một cán bộ tuyên giáo phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, vững vàng về bản lĩnh chính trị, về lập trường quan điểm, nắm vững quan điểm, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, bám sát thực tiễn đất nước, đi sát cuộc sống của nhân dân.
Về công tác báo chí, đồng chí Trương Tấn Sang yêu cầu báo chí tiếp tục khẳng định những thành tựu công cuộc đổi mới của đất nước do Đảng lãnh đạo. Báo chí phải tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản biện có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng; tăng cường và nâng cao chất lượng thông tin đối ngoại, đưa được nhiều thông tin có nội dung tốt đến với đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế; tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, PGS-TS Phan Xuân Biên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, đã có một số đề xuất cụ thể về công tác lãnh đạo, quản lý báo chí trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung trong tình hình mới, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác tuyên giáo nói chung và báo chí nói riêng:
1. Cần nghiên cứu, xem xét việc tạo điều kiện cho các báo tiếp cận thông tin như nhau khi có sự kiện lớn, không phân biệt báo Trung ương hay địa phương. Đối với những vấn đề nhạy cảm, cơ quan quản lý khi chỉ đạo nên có văn bản để đảm bảo tính thống nhất và chính xác trong thông tin, đồng thời cần chỉ đạo kịp thời các vấn đề nhạy cảm;
2. Các cơ quan có thẩm quyền nên nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung pháp luật, chính sách phù hợp trong điều kiện hiện nay. Nên theo hướng không hạn chế số trang mà cần bổ sung chi tiết các quy định quảng cáo. Cần có chính sách để các báo phát hành ra nước ngoài và cử phóng viên thường trú nước ngoài, nâng tầm tác nghiệp đáp ứng hội nhập và cạnh tranh; tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các báo trước pháp luật, về cơ chế thu chi tài chính và thực hiện nghĩa vụ thuế... sao cho phù hợp;
3. Xây dựng nội dung, kế hoạch quản lý tài nguyên thông tin, các nhà cung cấp dịch vụ, các cơ sở kinh doanh Internet và báo điện tử, đảm bảo an ninh và an toàn mạng, ngăn chặn mọi âm mưu, hành động chống phá, gây rối của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội chính trị.
4. Tiến hành tổng kết quá trình thực hiện Luật Báo chí, Luật Xuất bản cùng các chỉ thị, chủ trương liên quan để có sự bổ sung, sửa đổi luật cho phù hợp với đường lối của Đảng và tình hình thực tiễn với bối cảnh quan hệ quốc tế của nước ta hiện nay.
Hôm nay, 1-3, hội nghị tiếp tục làm việc.
TRẦN LƯU