Công ty Đầu tư tài chính TPHCM-Cơ chế mới thu hút nguồn vốn xã hội

Mô hình mới về đầu tư tài chính

Theo quyết định 576/QD9-UBND của UBND TPHCM, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) đã chính thức được thành lập. Đây là mô hình thí điểm đầu tiên của TPHCM trên cơ sở tổ chức sắp lại Quỹ Đầu tư và phát triển đô thị TPHCM (HIFU). Báo SGGP xin giới thiệu một số nét chính về tổ chức hoạt động của công ty này.

Mô hình mới về đầu tư tài chính

Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại kết luận số 15 - KL/TW ngày 18-10-2007 về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20 - NQ/TW, UBNDTP đã xây dựng nội dung đề án thành lập Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM để huy động vốn và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và các lĩnh vực kinh tế quan trọng của TP.

Trên cơ sở đồng ý của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 2103/TTg - ĐMDN ngày 4-11-2009, ngày 2-2-2010 UBND TPHCM đã ký quyết định thành lập Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM số 576/QĐ - UBND trên cơ sở tổ chức lại Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TPHCM.

Về mô hình hoạt động, HFIC là Công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu 100% vốn, tổ chức hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các luật khác có liên quan. HFIC có số vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng với các chức năng và nhiệm vụ cơ bản:

HFIC được phép huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật để phục vụ nhu cầu vốn đầu tư, thông qua các hình thức phát hành trái phiếu; vay vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng; tiếp nhận các nguồn tài trợ; nhận vốn ủy thác đầu tư, nhận vốn tham gia hợp vốn cho vay từ các tổ chức tín dụng. Đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào các lĩnh vực, ngành nghề mà TP cần ưu tiên đầu tư, bao gồm: đầu tư trực tiếp vào các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các ngành kinh tế quan trọng của thành phố; các dự án công ích hoặc các dự án thuộc các chương trình, mục tiêu theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp vốn liên doanh, liên kết; góp vốn cổ phần với doanh nghiệp khác và đầu tư thông qua thị trường vốn, thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.

HFIC có chức năng cho vay đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các ngành kinh tế quan trọng của thành phố có phương án thu hồi vốn trực tiếp hoặc các dự án thuộc các chương trình, mục tiêu theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thực hiện việc ủy thác cho vay đầu tư, thu hồi nợ; nhận ủy thác quản lý nguồn vốn đầu tư, thu hồi nợ, cấp phát vốn đầu tư, phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình theo ủy quyền của UBND TP. Cung cấp các dịch vụ tài chính và tư vấn đầu tư cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có nhu cầu.

Chuyển đổi HIFU thành HFIC

Qua 12 năm hoạt động, HIFU cũng gặp những khó khăn, vướng mắc, nhất là những hạn chế về cơ chế tổ chức và mô hình hoạt động. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 138/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư phát triển địa phương, trong đó có HIFU, nhưng về cơ bản cũng chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư phát triển của TP, nhất là về lĩnh vực, phạm vi và quy mô hoạt động. TPHCM cần có một tổ chức tài chính đủ mạnh để huy động vốn xã hội, trong và ngoài nước để chia sẻ trách nhiệm cùng với trung ương trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội và các lĩnh vực kinh tế thiết yếu trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020.

Sự bức bách đã và đang yêu cầu xây dựng một cơ chế đặc thù để tạo cú hích trong huy động vốn đầu tư. Ngoài chức năng huy động vốn ngoài ngân sách để phục vụ đầu tư phát triển, HFIC còn đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện vai trò đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư của TP. HFIC sẽ kế thừa và phát triển sự thành công của HIFU trong việc huy động vốn ngoài ngân sách phục vụ cho mục tiêu đầu tư phát triển.

HFIC sẽ tiếp tục triển khai các hình thức huy động vốn đã được HIFU ứng dụng thành công tiêu biểu như: huy động vốn thông qua các công ty cổ phần do quỹ tham gia góp vốn: với vai trò nhà đầu tư mở đường và thực hiện chức năng vốn mồi của quỹ, vốn góp của quỹ vào các công ty cổ phần thông qua quá trình đầu tư trực tiếp chỉ chiếm tỷ trọng bình quân 15% - 25% vốn điều lệ các công ty. Tuy nhiên thông quy mô hình các công ty cổ phần này số vốn huy động được từ các thành phần kinh tế khác tăng lên đáng kể.

Đây là mô hình cải cách, đổi mới quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước từ phương thức quản lý mang tính hành chính sang phương thức đầu tư kinh doanh vốn thông qua tổ chức chuyên nghiệp, phù hợp với nguyên tắc thị trường và xu thế hội nhập, tạo động lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy thị trường vốn và thị trường chứng khoán phát triển.

Phan Lộc – Quốc Huy

Tin cùng chuyên mục