''Cú đấm'' mới vào các thiên đường thuế

Tài sản và các giao dịch bí mật của một số lãnh đạo, chính trị gia, tỷ phú, người nổi tiếng… trên thế giới bị phơi bày trong Hồ sơ Pandora, một trong những vụ rò rỉ tài liệu tài chính lớn nhất từ trước đến nay.
Một số nhân vật trong Hồ sơ Pandora: Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống Uhuru Kenyatta, ca sĩ Colombia Shakira và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair (trái sang phải, trên xuống dưới)
Một số nhân vật trong Hồ sơ Pandora: Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống Uhuru Kenyatta, ca sĩ Colombia Shakira và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair (trái sang phải, trên xuống dưới)

Lộ mặt

BBC Panorama cùng Guardian và các đối tác truyền thông khác đã tiếp cận được gần 12 triệu tài liệu và tập tin từ 14 công ty dịch vụ tài chính tại các nước, vùng lãnh thổ bao gồm quần đảo British Virgin (Anh), Panama, Belize, Cyprus, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Singapore và Thụy Sĩ. Từ đó, khoảng 35 nhà lãnh đạo đã mãn nhiệm hoặc đương nhiệm cùng hơn 330 quan chức và 130 tỷ phú, nghệ sĩ đã bị nêu tên trong Hồ sơ Pandora.

Trong đó, có thể kể đến Quốc vương của Jordan Abdullah II, người đã bí mật thu gom tài sản tại Mỹ và Anh với trị giá đến 100 triệu USD. Tài liệu cũng cho biết cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, người luôn lên tiếng phản đối hành vi trốn thuế trong nhiều thập niên, lại cùng vợ mình không trả hơn 420.000 USD tiền thuế trước bạ khi mua một bất động sản trị giá 8,8 triệu USD tại London.

Vụ rò rỉ cũng cho hay Thủ tướng Czech Andrej Babis, đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra trong tuần này, đã thông qua các công ty ở nước ngoài để mua 1 bất động sản xa hoa trị giá 22 triệu USD ở miền Nam nước Pháp.

Trong khi đó, gia tộc Aliyev cầm quyền của Azerbaijan đã giao dịch hơn 540 triệu USD để mua bất động sản ở Anh trong những năm gần đây. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng có tên trong Hồ sơ Pandora. Thông tin rò rỉ cho thấy trong chiến dịch tranh cử năm 2019, ông Zelensky đã chuyển 25% cổ phần của mình trong một công ty nước ngoài cho một người bạn thân…

Tuy nhiên, một trong những hé lộ động trời nhất là cách thức một số người giàu, có vị trí quan trọng đã thành lập các công ty một cách hợp pháp và bí mật mua tài sản tại Anh. Các tài liệu cho biết một số chủ sở hữu của khoảng 95.000 công ty ở nước ngoài đứng đằng sau các thương vụ này.

Tài liệu này cũng nhấn mạnh đến việc Chính phủ Anh đã thất bại trong việc đưa ra danh sách các chủ sở hữu tài sản ở nước ngoài, mặc dù liên tục hứa sẽ thực hiện, trong bối cảnh đã có các quan ngại về việc một số người mua tài sản có thể lợi dụng để thực hiện các hoạt động rửa tiền.

Phản ứng trước thông tin trên, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết các quan chức thuế nước này sẽ nghiên cứu các tài liệu tài chính bị rò rỉ và được đề cập trong Hồ sơ Pandora.

Giới chức một số nước đã phản ứng với Hồ sơ Pandora. Hoàng gia Jordan cho biết việc Quốc vương nước này Abdullah II sở hữu nhiều tài sản ở Mỹ và Anh không phải là điều bí mật, đồng thời nhấn mạnh vì các lý do riêng tư và bảo mật mà không tiết lộ số tài sản này.

Trong khi đó, Thủ tướng Czech Andrej Babis đã bác bỏ các cáo buộc và khẳng định rằng những hành động của ông nằm trong khuôn khổ pháp luật. Nga cũng gọi những gì được nêu trong Hồ sơ Pandora là những cáo buộc thiếu căn cứ…

Nhiều chính trị gia đau đầu

Theo Guardian, Hồ sơ Pandora đã giúp làm sáng tỏ hoạt động tài chính của những chính khách hàng đầu ở mức độ rõ ràng hơn mọi cuộc điều tra báo chí trước đó.

Như tại Cyprus, Tổng thống Nicos Anastasiades có thể sẽ bị yêu cầu giải thích việc một hãng luật do ông sáng lập lại bị cáo buộc dùng các chủ sở hữu công ty ma để che giấu tài sản của một tỷ phú người Nga. Hãng luật trên phủ nhận có hành vi sai trái, trong khi vị Tổng thống Cyprus cho biết đã không còn vai trò chủ động trong hoạt động của hãng này sau khi trở thành lãnh đạo phe đối lập vào năm 1997.

Tại Kenya, Tổng thống Uhuru Kenyatta từng thể hiện hình ảnh của người chống tham nhũng quyết liệt. Nhưng với sự xuất hiện trong Hồ sơ Pandora, Tổng thống Kenya sẽ phải làm rõ việc ông cùng người thân tích lũy được số của cải ở nước ngoài trị giá hơn 30 triệu USD, bao gồm bất động sản tại London.

Hồ sơ Pandora cũng có thể khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đau đầu khi Mỹ nổi lên là một thiên đường thuế hàng đầu, nhất là tại bang South Dakota.

Hồ sơ Pandora là vụ rò rỉ tài liệu mới nhất trong một loạt vụ rò rỉ trong vòng 7 năm qua, theo sau vụ Tài liệu FinCen, Hồ sơ Paradise, Hồ sơ Panama và LuxLeaks. Đây cũng là quá trình thẩm tra tài liệu có quy mô lớn nhất do Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tiến hành, với hơn 650 phóng viên tham gia.

Tin cùng chuyên mục