Cử tri cho rằng nhiều điều kiện kinh doanh chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý

Cử tri quan tâm và phản ánh còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý, trong đó có tình trạng công tác phòng cháy chữa cháy siết chặt không hợp lý đối với nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Quy định về phòng cháy, chữa cháy được siết chặt sau một số vụ việc hoả hoạn gây thương vong tại các cơ sở kinh doanh karaoke. Ảnh minh họa
Quy định về phòng cháy, chữa cháy được siết chặt sau một số vụ việc hoả hoạn gây thương vong tại các cơ sở kinh doanh karaoke. Ảnh minh họa

Chiều 10-4, tại phiên họp 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3.

Theo báo cáo, cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm về Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2-2-2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị làm cơ sở cho Quốc hội, HĐND các cấp lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh, chức vụ do Quốc hội, HĐND các cấp bầu và phê chuẩn; cùng các quy định, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay.

Cử tri và nhân dân cả nước cũng phản ánh và lo lắng về tình trạng tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra; việc ma túy tổng hợp được vận chuyển vào Việt Nam thông qua tiếp viên hàng không; người dân nhận được các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo bằng việc thông báo chuẩn hóa thông tin cá nhân của thuê bao di động, nhập mật khẩu theo đường link ngân hàng; công tác tuyển sinh đầu vào các cấp học năm 2023 - 2024 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với những vấn đề mới về chỉ tiêu tuyển sinh, xét tuyển đại học theo ngành và cộng điểm ưu tiên cũng nhận được sự quan tâm sâu sắc, do đây là niên khóa mà học sinh bị ảnh hưởng do 2 năm học trực tuyến bởi đại dịch Covid-19.

Cùng với đó, cử tri cũng quan tâm tình trạng nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, số lượng người muốn rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân và gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội; về nguy cơ cây đổ, sạt lở gây thiệt hại về tính mạng và tài sản khi mùa mưa bão sắp đến; phòng ngừa tai nạn đuối nước ở trẻ em trong kỳ nghỉ hè sắp tới; giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát có khả năng xảy ra khi thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2023…

Cử tri bày tỏ sự quan tâm, lo lắng về tình hình giải ngân đầu tư công, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 1 ở một số khu vực kinh tế trọng điểm sụt giảm đáng kể. Mặc dù, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện, tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc, thành lập 6 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công nhưng việc triển khai, thực hiện giải ngân dự án đầu tư công còn chậm, chưa theo đúng kế hoạch.

Đáng chú ý là trong thời gian gần đây, cử tri quan tâm và phản ánh còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý, trong đó có tình trạng công tác phòng cháy chữa cháy siết chặt không hợp lý đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Việc này được thực hiện sau khi một số vụ việc hỏa hoạn gây thương vong tại các cơ sở kinh doanh karaoke. Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy chưa khoa học, chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh… làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh buộc phải tạm dừng hoạt động do không đáp ứng được các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.

Tin cùng chuyên mục