Cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm việc chuẩn bị nhân sự của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII

Kiên quyết loại trừ những trường hợp thoái hóa, biến chất
Cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm việc chuẩn bị nhân sự của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII

(SGGPO).- Sáng 20-10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ mười Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 4.492 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Ảnh: LÃ ANH

Kiên quyết loại trừ những trường hợp thoái hóa, biến chất

Về tâm tư, nguyện vọng chung của cử tri và nhân dân, báo cáo nhấn mạnh, vẫn còn nhiều tâm tư, lo lắng trước tình hình kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra. Chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động chưa cao; giá một số sản phẩm nông nghiệp giảm; vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết tốt. An toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo; tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông vẫn diễn ra phức tạp; tình hình cháy, nổ xảy ra ở nhiều nơi gây thiệt hại lớn về người và tài sản; thiên tai, mưa lũ gây ngập lụt ở nhiều địa phương; hiện tượng nước biển ngày càng dâng cao và xâm nhập sâu vào đất liền, nhất là các tỉnh ven biển khu vực Tây Nam bộ, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân; tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi. Cử tri và nhân dân bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng trái luật pháp quốc tế các công trình tại các đảo chìm, bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm việc chuẩn bị nhân sự của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mong muốn những người được bầu giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền có đủ đức, đủ tài để xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, cần kiên quyết loại trừ những trường hợp thoái hóa, biến chất, có biểu hiện tham nhũng, lợi ích nhóm tham gia bộ máy lãnh đạo các cấp.

Cần có chính sách nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Những kiến nghị cụ thể của cử tri cả nước tại kỳ họp này tập trung vào vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn; sản xuất, kinh doanh; y tế; giáo dục, việc làm; đất đai; an toàn giao thông..

Trong đó, đáng chú ý, cử tri và nhân dân ở nhiều nơi còn băn khoăn về việc huy động sự đóng góp của người dân trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn vẫn còn cao, nhất là đối với các vùng mật độ dân cư thấp, địa bàn khó khăn. Giá lúa hiện nay thấp, nguồn cung đã vượt cầu; việc thu mua tạm trữ chỉ là biện pháp tạm thời, chưa thật sự nâng được giá lúa. Trong khi đó, vẫn còn tình trạng ép giá, hủy hợp đồng thu mua lúa gây thiệt hại cho nông dân. Một số sản phẩm nông nghiệp khó tiêu thụ, bị ứ đọng như dừa, hoa màu, mía, tôm, cá lóc… Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm quy hoạch trồng lúa chất lượng cao, xây dựng các cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam xuất khẩu, có chính sách hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp, tăng cường việc áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Với việc Việt Nam đã ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức đạt được thỏa thuận, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới sẽ hình thành các chuẩn mực mới cho thương mại toàn cầu. Cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm đến phát triển ngành nông nghiệp, trước hết là ngành chăn nuôi nước ta trước những thách thức mới. Đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa, chỉ đạo phát triển ngành nông nghiệp, có chính sách để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn lớn, dài hạn để mở rộng sản xuất và hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp để hạn chế phụ thuộc vào nguyên liệu “đầu vào” cho nông nghiệp từ nước ngoài.

Lo lắng về sức khỏe, việc làm

Cử tri cũng cho rằng, giá xăng dầu đã giảm nhiều lần nhưng giá cước vận tải ở một số địa phương giảm chưa phù hợp. Giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân. Giá bán điện, nước ngày càng cao, cách thức tính giá điện, biểu giá bán lẻ áp dụng cho người dân sử dụng điện sinh hoạt chưa hợp lý. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo chặt chẽ các bộ, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra việc niêm yết giá cả các mặt hàng trên thị trường, khuyến khích hình thành và phát triển thị trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng các doanh nghiệp có vị thế độc quyền định giá không hợp lý, thiếu minh bạch.

Cùng với đó, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện, nhất là khi xảy ra dịch bệnh; ở một số nơi, các dịch vụ khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế chưa tốt; việc một số cơ sở y tế không niêm yết giá thuốc, tình trạng thuốc chữa bệnh chất lượng thấp, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đủ tiêu chuẩn còn nhiều. Đề nghị Bộ Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân. Cử tri và nhân dân rất lo lắng trước tình trạng một số loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không an toàn như: trái cây, rau, củ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thiếu kiểm soát; việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến nông sản và chăn nuôi chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Kỳ thi quốc gia THPT năm 2015 “hai trong một” cũng được cử tri cho là thời gian quá dài, một thí sinh được đăng ký, thay đổi nhiều nguyện vọng dẫn đến khó khăn cho nhiều trường đại học, gây tâm lý lo lắng, bất an cho thí sinh và phụ huynh trong việc nộp, rút hồ sơ đăng ký nguyện vọng, chuyển trường; một số trường còn lúng túng trong việc xét tuyển đại học. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết rút kinh nghiệm về những bất cập và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Tình trạng dạy thêm và học thêm ở các cấp học, đặc biệt là ở bậc tiểu học vẫn còn diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các đô thị, thành phố lớn; tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục công lập dưới hình thức “đóng góp tự nguyện” của hội cha mẹ học sinh để xây dựng nhà trường gây bức xúc, khó khăn cho người dân. Chưa có giải pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng  sinh viên ra trường nhiều năm nhưng vẫn chưa có việc làm. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp về đào tạo, sử dụng phù hợp để tránh để tình trạng lãng phí nguồn lực lao động đã được đào tạo cơ bản này.

Với cơ cấu biểu giá điện 6 bậc như hiện nay, 2 bậc đầu tiên có đơn giá thấp hơn giá điện bình quân, từ bậc 3 trở đi, tức là trên 100 kWh, đơn giá lại được tính cao hơn giá điện bình quân. Nhưng lượng điện tiêu thụ phổ biến từ bậc 3 đến bậc 5, tức là trong khoảng từ 101 kWh đến 300 kWh, vì thế phần lớn người dân đang phải trả cho 1 kWh sử dụng điện cao hơn khoảng 20% so với giá điện bình quân.

PHAN THẢO

Thông tin liên quan:

>> Khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII

Tin cùng chuyên mục