Cử tri yêu cầu siết chặt kiểm tra, giám sát hệ thống ngân hàng ​

Trong Báo cáo tập hợp ý kiến cử tri vừa được gửi đến Quốc hội, cử tri bày tỏ quan ngại về việc những năm gần đây liên tục có những vụ “đại án” liên quan đến ngành ngân hàng, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hà Văn Thắm và các đồng phạm trong phiên tòa phúc thẩm "đại án" tại OceanBank
Hà Văn Thắm và các đồng phạm trong phiên tòa phúc thẩm "đại án" tại OceanBank

Cử tri muốn làm rõ công tác kiểm tra, giám sát hệ thống ngân hàng lâu nay thực hiện như thế nào và đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xác định trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước và có biện pháp thu hồi lại số tiền bị thất thoát.

Phản hồi nội dung này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra luôn được triển khai nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với nội dung và kế hoạch thanh tra, kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra, giám sát và kiểm toán độc lập.

Cụ thể, năm 2016 và 2017 đã tiến hành 2.511 cuộc thanh tra, kiểm tra. Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại các tổ chức tín dụng, các đoàn thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra 19.960 kiến nghị yêu cầu tổ chức tín dụng khắc phục tồn tại, sai phạm; ban hành 247 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền phạt là 17,63 tỷ đồng.

Về các “đại án” liên quan đến ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng các sai phạm chủ yếu phát sinh từ những năm trước đây. 

Báo cáo của cơ quan này viện dẫn số liệu từ Bộ Công an, theo đó, hầu hết các vụ án kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng đưa ra xét xử gần đây đều xảy ra từ các năm trước, nay mới được phát hiện, số vụ mới phát sinh xảy ra ít hơn. 

Những sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng xuất phát cả từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là năng lực và trình độ quản lý điều hành của một số ngân hàng thương mại còn yếu kém; Công tác thanh tra giám sát, kiểm soát nội bộ còn yếu nên chậm phát hiện vụ việc; Việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc khắc phục, chỉnh sửa, thực hiện kiến nghị sau thanh tra của một số tổ chức tín dụng còn kéo dài, chưa đúng tiến độ; Chất lượng công tác giám sát từ xa chưa cao nên chưa phát huy được vai trò trong việc phát hiện, đánh giá, cảnh báo các tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tổ chức tín dụng...

Giải pháp khắc phục và chủ động đối phó với các loại sai phạm, tội phạm trong ngành cũng đã được Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, bao gồm việc tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng; nâng cao khả năng cảnh báo sớm đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật của các tổ chức tín dụng. Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô; tăng cường thanh tra toàn diện, pháp nhân tổ chức tín dụng, tăng cường chất lượng cán bộ… 

Ngân hàng Nhà nước cũng cam kết tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi sai phạm trong lĩnh vực tiền tệ. Những vi phạm có dấu hiệu hình sự sẽ được chuyển hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan công an để điều tra, xử lý.

Tin cùng chuyên mục