Trong một nỗ lực nhằm cải cách kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Cuba María Vélez vừa ra thông báo sẽ đóng cửa tất cả các bếp ăn tập thể của 13 bộ và cơ quan trực thuộc bộ với 225.000 công chức.
Chính sách xóa bỏ các bếp ăn tập thể đã được đưa ra thử nghiệm vào tháng 10 năm ngoái tại các nhà ăn của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Bộ Ngoại thương - Đầu tư nước ngoài. Để người lao động không bị ảnh hưởng, ngoài tiền lương, nhà nước sẽ trả thêm cho cán bộ 15 peso tiền ăn trưa (tương đương 0,6 USD).
Trong trường hợp một người đi làm đầy đủ trong tháng, người lao động sẽ được lãnh thêm khoảng 450 peso/tháng (bằng mức lương bình thường của một người lao động). Sau 8 tháng thực hiện, 85% cán bộ của các cơ quan trên cho biết họ hài lòng với quyết định này. Trong số các cơ quan sẽ áp dụng chính sách tới đây có các ngân hàng, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông, cơ quan Hàng không dân dụng và Phòng Thương mại.
Nỗ lực cắt giảm bao cấp bếp ăn của chính phủ Cuba sẽ tiết kiệm cho nhà nước hơn 25 triệu USD. Thứ trưởng Vélez cho biết, số tiền tiết kiệm được từ việc này sẽ được hoàn trả cho ngân sách nhà nước và cách làm trên sẽ tiếp tục được nhân rộng. Các nhà ăn tập thể tại Cuba ra đời từ năm 1963. Đến nay, Cuba có 24.700 bếp ăn tập thể, cung cấp dịch vụ cho 3,4 triệu người lao động, với chi phí lên tới 350 triệu USD/năm. Các bếp ăn này của các cơ quan nhà nước, bệnh viện, trường học và cung cấp suất ăn trưa với mức giá rất rẻ bởi có trợ giá của nhà nước. Tuy nhiên, chính phủ của Chủ tịch Raul Castro cho rằng bếp ăn bao cấp đã và đang trở thành một gánh nặng cho nền kinh tế quốc gia vì nhà nước phải đầu tư quá nhiều tiền để nhập khẩu lương thực và thực phẩm, sau đó cung cấp cho các bếp ăn tập thể. Ngoài ra, nhà nước còn phải trả chi phí vận chuyển, điện và nước.
Trên con đường cải cách kinh tế, Chính phủ Cuba đang từng bước thực hiện xóa bỏ một số dịch vụ bao cấp, miễn phí và trợ giá đối với người dân vốn được thực hiện từ hàng chục năm nay. Tiến hành đồng thời với chính sách xóa bỏ các bếp ăn tập thể, chính phủ còn đẩy mạnh cải cách nông nghiệp, nhằm tăng cường sản xuất lương thực, thực phẩm sớm đưa nền kinh tế thoát ra khỏi khó khăn khi mà hiện nay Cuba phải nhập khẩu tới 80% lương thực, thực phẩm để phục vụ 11,2 triệu dân, với kim ngạch lên tới 2 tỷ USD/năm.
“Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn” được chính phủ thông qua đã tạo điều kiện khuyến khích sản xuất tại mỗi địa phương, phù hợp với đặc tính riêng của từng vùng và tận dụng tối đa hệ thống tưới tiêu. Trong đó, cho phép nông dân tự quyết định cách sử dụng để trồng trọt có hiệu quả. Đất công chưa sử dụng đã được giao khoán cho nông dân và một số mặt hàng nông phẩm lương thực như khoai tây, được tăng giá. Báo cáo của LHQ năm ngoái cũng ghi nhận những nỗ lực phát triển nông nghiệp của Cuba trong điều kiện không mấy thuận lợi do đất đai bạc màu và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Có tới 75% đất nông nghiệp của Cuba không màu mỡ, trong đó gần 15% bị nhiễm mặn và 14% nghèo chất hữu cơ
HẠNH CHI