Cùng nhau vượt khó - Bài 2: Nhận và cho

Từng nhận được sự chia sẻ của cộng đồng để vượt qua giai đoạn khó khăn nên giờ đây, nhiều hộ khá luôn đồng cảm với những hoàn cảnh kém may mắn. Bằng nhiều cách sẻ chia, họ đã, đang luân chuyển, lan tỏa hạnh phúc tới những người có hoàn cảnh giống mình trước đây, góp phần mang niềm tin, nghị lực mới đến với những người dân vốn còn nhiều khốn khó trong cuộc sống, nhất là giúp xua đi phần nào nỗi lo toan tất bật dịp cuối năm.
Cùng nhau vượt khó - Bài 2: Nhận và cho

Từng nhận được sự chia sẻ của cộng đồng để vượt qua giai đoạn khó khăn nên giờ đây, nhiều hộ khá luôn đồng cảm với những hoàn cảnh kém may mắn. Bằng nhiều cách sẻ chia, họ đã, đang luân chuyển, lan tỏa hạnh phúc tới những người có hoàn cảnh giống mình trước đây, góp phần mang niềm tin, nghị lực mới đến với những người dân vốn còn nhiều khốn khó trong cuộc sống, nhất là giúp xua đi phần nào nỗi lo toan tất bật dịp cuối năm.

bà Phan Thị Diệu Hạnh, chủ cơ sở bánh mì Mỹ Thanh đang trao đổi với nhân viên. Ảnh: Việt Dũng

bà Phan Thị Diệu Hạnh, chủ cơ sở bánh mì Mỹ Thanh đang trao đổi với nhân viên. Ảnh: Việt Dũng

Khá giúp khó

Còn hơn tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng bà Phan Thị Diệu Hạnh (chủ cơ sở bánh mì Mỹ Thanh, ngụ 296 Trần Phú, quận 5) đã thông báo sẽ thưởng 1 tháng lương cho 12 lao động đang làm việc tại cơ sở. “Tiền chưa có, gần tết mới thưởng, song cứ báo trước vậy để anh em mừng, đồng thời biết chừng liệu tính toán kế hoạch lo chuyện tết của gia đình. Có vậy, họ mới gắn bó với mình, cùng nhau mà đứng vững chứ kinh tế khó khăn, mình chỉ lo cho mình không thôi thì sao mà vượt qua được”, bà Hạnh chia sẻ.

Bà Hạnh cho biết thêm, bà sản xuất bánh mì từ trước giải phóng với lò nướng củi bị xuống cấp. Sản phẩm chất lượng kém, việc sản xuất không hiệu quả, chỉ cầm chừng, đủ trả công cho thợ còn nợ nần chồng chất tưởng phải dẹp cơ sở. Gia đình cũng lâm vào diện nghèo. Trước sự bế tắc của cơ sở cũng như cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn, năm 2001 bà được vay vốn 25 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo và thu nhận thêm 10 lao động trong diện hộ nghèo. Lò được sửa chữa, việc sản xuất đều đặn hơn. Sau đó, bà tiếp tục được vay nhiều đợt từ 40-50 triệu đồng và đầu năm 2006 bà quyết định vay 150 triệu đồng để mua lò nướng hiện đại. Nhờ thiết bị mới, hoạt động hiệu quả, năng suất bánh mì tăng gấp 3 lần, chất lượng bánh tốt hơn nên tiêu thụ nhanh hơn.

Sau 1 năm, vừa trả được vốn, vừa chỉnh trang được cơ sở ngày càng khang trang, gia đình cũng thoát nghèo từ đó. Tự nhận thấy trách nhiệm và nghĩa vụ cần phải chia sẻ với người nghèo, dù không còn vay vốn ưu đãi, bà Hạnh vẫn thu nhận 12 lao động nghèo vào làm việc với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng, bao cơm.

Tương tự, bà Mai Thị Thìn (59 tuổi, trú 36/4 đường 42, quận 4) cũng xuất phát từ một gia đình nghèo đông anh em, được vay vốn để phát triển cơ sở sản xuất áo mưa tại gia. Không những nhận gần chục lao động nghèo ở địa phương vào làm việc, bà Thìn còn thường xuyên ủng hộ vật chất để phường chăm lo tốt hơn cho các hộ gia đình còn khó khăn. “Việc làm nhỏ bé, không đủ cho họ sưởi ấm gia đình nhưng cũng mong sẽ đem lại cho họ niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, từng bước giúp họ thoát nghèo”, bà Thìn tâm niệm.

Nhân lên hạnh phúc

Ông Nguyễn Văn Sanh (ngụ 247/71 Lạc Long Quân, quận 11) lại có cách “trả nợ” rất tình cảm. Ông vốn là một người làm thuê, được phường hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho vợ và con có các hợp đồng gia công cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong phường. Kiên trì lao động với một niềm tin rằng đến một lúc nào đó bản thân và gia đình sẽ là những người mang lại niềm vui cho người khác như mình trước đây đã từng đón nhận sự trợ giúp của mọi người, sau vài năm, gia đình ông đã vượt nghèo.

Đến lượt mình, thực hiện niềm ấp ủ, mong muốn làm điều gì đó thật có ý nghĩa để góp phần chia sẻ với những người đồng cảnh với gia đình mình trước đây còn nghèo khó. Nhiều năm qua, gia đình ông nuôi dưỡng các cụ già neo đơn, giúp đỡ các gia đình khó khăn, bệnh tật trong tổ dân phố từ bữa ăn hàng ngày đến cái mặc và những khi trái gió trở trời phải lo thuốc thang, viện phí. Vợ chồng và các con thay nhau đưa cơm nước đến tận nhà cho người dân, ngoài ra còn trợ cấp thường xuyên hàng tháng cho 2 người già neo đơn.

Hàng ngàn hộ gia đình khó khăn ở quận 8 rất vui vì tết này đã có nước sạch sử dụng. Là địa bàn nhiều kênh rạch, các tuyến hẻm quá nhỏ, nhiều khu vực chưa có nước, quận 8 đã khảo sát các khu vực, các điểm chưa có đường ống, xác minh lại số hộ dân chưa gắn đồng hồ thủy cục. Trên cơ sở đó, quận vận động các nhà hảo tâm ủng hộ việc gắn đồng hồ nước sạch cho dân nghèo với nhiều hình thức như phát triển đường ống, hỗ trợ kinh phí gắn đồng hồ tổng. Quận phối hợp với Công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn nhận hồ sơ xin gắn đồng hồ nước và trực tiếp hướng dẫn, phát và nhận hồ sơ cấp nước cho người dân. Trong năm, quận đã phát triển mạng lưới, gắn 130 đồng hồ tổng với số tiền 570 triệu đồng và 2.576 đồng hồ dùng cho hộ gia đình.

Nhóm PV CTXH

- Bài 1: Ấm lòng công nhân

Tin cùng chuyên mục