
Thông tin bộ phim Vua Kungfu sẽ được công chiếu tại Việt Nam chỉ một tuần sau khi khởi chiếu tại Mỹ (18-4-2008) đã gây xôn xao khán giả Việt Nam.
Kể chuyện Tôn Ngộ Không cho… người Mỹ
Câu chuyện của Vua Kungfu bắt đầu ở TP Boston (Mỹ). Tại đây, có anh chàng Jason Trpitikas rất thích phim võ Trung Quốc. Một ngày nọ, Jason tình cờ thấy được một cây gậy sắt tại tiệm đĩa của một ông già người Trung Quốc tên Hop (Thành Long). Đúng lúc đó, một nhóm cướp muốn lấy cây gậy sắt, già Hop vì bảo vệ cây gậy đã bị trúng đạn. Trước khi ngã gục, già Hop trao cho Jason cây gậy với lời dặn dò “đây là cây thiết bảng của Tôn Ngộ Không”. Ngay lúc nguy hiểm, cây gậy bỗng lôi anh vào một thời đại cổ xưa.

Tại đây, Jason bị đám lính lạ bao vây, rồi một cao thủ dùng võ say xuất hiện giải cứu anh. Cao thủ này (cũng Thành Long thể hiện) tự nhận là Lữ Động Tân (tên của một vị tiên trong Bát tiên). Qua Lữ Động Tân, Jason mới biết được lý do tại sao anh ở đây. 500 năm trước, có một vị vua của loài khỉ tên Tôn Ngộ Không (TNK) rất giỏi võ và phép thuật đã lên trên trời quậy phá.
Khi bị bắt, Ngọc Hoàng không những không trừng phạt mà còn gọi vị tiên tên Ngọc Cương đưa TNK đi ban thưởng. Nhưng lợi dụng Ngọc Hoàng đóng cửa tu hành, Ngọc Cương đã thách đấu với TNK.
Kết cục, Ngọc Cương thảm bại nhưng ông ta không chấp nhận thua cuộc mà còn lừa, dùng phép biến TNK thành đá. Trước khi hóa đá, TNK đã quăng cây thiết bảng của mình vượt không gian và thời gian với lời tiên tri “Ai tìm thấy cây thiết bảng sẽ trở thành người giải cứu ta”.
Jason quyết định tìm đến cung điện của Ngọc Cương trên núi Tứ Hành Sơn để giải cứu TNK. Trên đường đi, họ được nhà sư Vô Ngôn (Lý Liên Kiệt) và cô gái tên Kim Yến Tử (Lưu Diệc Phi) giúp. Để ngăn cản họ, Ngọc Cương sai Bạch Phát ma nữ (Lý Băng Băng) tìm mọi cách cướp lại cây thiết bảng.
Khán giả châu Á thất vọng
Có người ví von, người châu Âu xem Vua Kungfu cũng giống như người châu Á coi Lord of the ring (Chúa tể những chiếc nhẫn), chỉ biết thưởng lãm cảnh đẹp, những pha chiến đấu hùng tráng chứ chẳng hiểu mấy về nội dung câu chuyện. Điều này thực ra không đúng, Chúa tể những chiếc nhẫn là bộ phim về các nhân vật trong thần thoại châu Âu, do đạo diễn, diễn viên Âu - Mỹ thực hiện.
Những người làm phim hiểu câu chuyện của họ, những câu chuyện được kể từ đời này qua đời khác và họ đã chuyển tải một phần bản chất truyện thần thoại của chính mình thành phim giúp khán giả dù khác nền văn hóa cũng hiểu phần nào.
Vua Kungfu lại khác, dù có dàn diễn viên châu Á nổi tiếng nhưng từ đạo diễn, diễn viên chính, nhà sản xuất đều là người Mỹ. Kết quả là bộ phim có vô số cảnh chướng tai gai mắt với những ai biết truyện Tây Du Ký. Đầu tiên là cây thiết bảng mà bạn đọc châu Á rất quen thuộc với cái tên gậy Như Ý. Cây gậy từng một thời là Định hải thần châm này có trọng lượng “khủng khiếp” mà phải những bậc thần tiên thượng đẳng mới cầm nổi.
Ấy thế mà trong phim, anh chàng Jason “người trần” chưa hề tu luyện võ công hay phép thuật lại có thể vác nó chạy long nhong như vác cây… gậy gỗ. Rồi Lữ Động Tân, một trong Bát tiên nổi tiếng té ra là “giả” nhưng coi hết phim khán giả không hiểu ông tiên giả này là ai, vì sao lại có trách nhiệm giải cứu TNK. Vai diễn của Jason khá mờ nhạt, anh lạc lõng trong một thế giới không dành cho mình. Nhiều lúc, khán giả quên mất Jason để chú ý đến những nhân vật phụ khác, thật hơn, hay hơn.
Một điểm phải ghi nhận ở phim này là sự pha trộn đủ loại nhân vật trong phim võ hiệp Trung Quốc. Vai diễn của Thành Long thực ra chỉ là sự nhái lại khá vụng vai của chính anh trong Túy quyền. Lý Liên Kiệt cũng không khá hơn khi vai nhà sư của anh không giống sư mà lại giống Hoàng Phi Hồng! Thậm chí khi vào vai TNK, Lý Liên Kiệt không thể hiện được hình ảnh một Mỹ Hầu vương lí lắc nhưng dũng mãnh. Bạch Phát ma nữ cũng là một nhân vật quen thuộc nhưng trong phim Ma nữ tóc trắng là nhân vật… lộn xộn nhất, cô uất hận đàn ông nhưng chẳng ai biết vì sao cô lại muốn bất tử!
Bởi thế, sự tréo ngoe đã xuất hiện. Với khán giả châu Á, các nhân vật trong phim đều quen thuộc nên đã gây thất vọng vì sự thể hiện nửa vời của phim. Còn với khán giả châu Âu, nhân vật trong phim quá khó hiểu nên không để lại ấn tượng gì.
Nếu không có sự kết hợp của hai con rồng điện ảnh châu Á Thành Long và Lý Liên Kiệt cùng huyền thoại bất hủ của văn học là TNK thì Vua Kungfu có lẽ chẳng được ai chú ý. Tuy nhiên, dù hai con rồng của điện ảnh võ thuật Trung Quốc cùng xuất hiện thì Vua Kungfu chỉ dừng lại ở việc lôi kéo khán giả đến rạp thưởng thức một bộ phim giải trí chứ chưa thành công về nghệ thuật.
Phim chiếu tại các rạp ở TPHCM từ ngày 25-4-2008
TÂN TƯỜNG