
Giá dầu tăng mạnh trong mấy ngày qua làm cho đề tài dầu khí lại choán nhiều chỗ nổi bật trên các tờ báo lớn. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế-chính trị, trong thế kỷ 21, dầu khí sẽ đóng vai trò rất quan trọng trên bình diện quan hệ quốc tế. Ai tạo lập được an ninh năng lượng, người đó sẽ duy trì được tăng trưởng kinh tế. Ai cầm chịch được các nguồn dầu khí, người đó sẽ có uy lực trong quan hệ quốc tế.

Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc đã nỗ lực tối đa trong chiến lược an ninh năng lượng. Trung Quốc đã mở rộng quan hệ, liên kết dầu khí với châu Phi, Nam Mỹ, Trung Á, trong khi vẫn giữ vững sự gắn bó với các đối tác truyền thống ở Trung Đông, Nga và ASEAN.
Trung Quốc đã xây các đường ống dầu khí lớn từ Kazakhstan về Hoa Trung, mở đường vận chuyển từ Myanmar về Vân Nam và có dự án lớn cho đường ống dẫn dầu từ Siberi về Đại Khánh. Trung Quốc đã ký kết với Iran hợp đồng thế kỷ trị giá trên 100 tỷ USD và mới đây đã tăng cường quan hệ với Saudi Arabia.
Nga cũng trở thành tiêu điểm của giới quan sát khi vừa nỗ lực quy tụ nguồn dầu khí từ Trung Á và từ biển Caspi, vừa ký kết các hợp đồng bán dầu khí với Séc, Hungari sau khi ký với Ukraine. Mỹ và một số nước châu Âu nghi ngờ rằng dầu khí trong tay Nga sẽ được dùng như một loại vũ khí kinh tế lợi hại.
Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. Sau khi đưa quân tới Iraq, những tưởng tư bản dầu khí Mỹ sẽ thắng lớn. Thực tế đã diễn ra khác hẳn. Do liên tục bị lực lượng chống đối quấy phá, cho đến nay sản phẩm dầu khí Iraq vẫn chưa thể khôi phục lại bằng như trước khi Mỹ tấn công.
Thêm vào đó, khoản tiền chi cho việc chiếm đóng Iraq quá lớn. Trong 3 năm qua, Mỹ đã chi hơn 200 tỷ USD. Điều đáng lo ngại nhất đối với các công ty dầu lửa Mỹ là mai này, một khi Mỹ rút quân, chính phủ mới tại Iraq (đang bị nghi ngờ là ngấm ngầm thân Iran) sẽ trở mặt, liên kết với Iran, làm cho Mỹ lâm vào tình thế “cốc mò, cò xơi”. Trong khi đó, nguồn dầu lửa từ Venezuela sau hàng chục năm trời chảy sang Mỹ, nay đang đổi hướng.
Theo gương Venezuela, nguồn khí đốt của Bolivia cũng “đổi màu”. Việc tân Tổng thống Morales quyết định quốc hữu hóa các công ty khí đốt ở Bolivia là một đòn giáng mạnh vào quyền lợi của tư bản dầu khí Mỹ. Không thành công ở Iraq, thất bại ở Venezuela và Bolivia, nhà cầm quyền Mỹ mới đây đã phải đi đến một quyết định cực kỳ bất đắc dĩ: khai thác dầu khí tại bang Alaska.
Hàng bao nhiêu năm nay khu bảo tồn thiên nhiên này được coi là lá phổi của nước Mỹ, diện tích rừng nguyên thủy rất lớn ở đây được Nhà Trắng dùng làm lý do không tuân thủ nghị định Kyoto (bảo vệ môi sinh toàn cầu). Gần đây, với vấn đề năng lượng nguyên tử của Iran đang nóng lên, phải chăng Washington lại có thể ôm một hy vọng về một cục diện mới trong lĩnh vực dầu khí?
Dầu khí trong tương lai tiếp tục là mục tiêu tranh chấp quan trọng trên bàn cờ quốc tế.
TƯỜNG VÂN