Như nhiều cuộc chiến khác, cuộc tấn công Libya cũng mở màn bằng không kích. Lịch sử cho thấy, cuộc không kích của Mỹ ở Nam Tư, Iran và Afghanistan chưa thể giúp Mỹ và đồng minh đạt mục tiêu mà cần phải dùng đến vai trò của bộ binh.
Trong Nghị quyết 1973 của LHQ về Libya có đoạn loại trừ “sự chiếm đóng của lực lượng nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào và ở bất kỳ vùng đất nào của Libya”. Chính vì vậy, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định rằng Mỹ sẽ không triển khai quân ở Libya. Cũng có thể thấy rằng Mỹ đang dàn quân ở Iraq và Afghanistan nên triển khai quân thêm tới Libya là việc chẳng đặng đừng. Kinh nghiệm xương máu tại hai nước này đã quá đủ cho Washington. Chi bằng Mỹ hỗ trợ về mặc hỏa lực tạo điều kiện cho các đồng minh châu Âu, Canada và Arab dẫn đầu trong cuộc chiến mà vẫn tuân thủ Nghị quyết 1973.
Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng Mỹ và đồng minh đều mong muốn nhìn thấy chính phủ của Tổng thống Gaddafi sớm sụp đổ do các cuộc không kích từ bên ngoài và do lực lượng nổi dậy từ bên trong. Kế hoạch này đòi hỏi lực lượng của phương Tây phải giải quyết bài toán tại Benghazi, cứ điểm của lực lượng nổi dậy. Bất chấp các cuộc không kích của phương Tây, quân đội trung thành với ông Gaddafi ngày 20-3 tiếp tục mở đợt tấn công lớn vào thủ phủ Benghazi của lực lượng nổi dậy. Ngày đầu không kích, Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức quân đội Mỹ cho biết, lực lượng phòng không của Libya đã vô hiệu hóa hơn 110 quả tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ bắn vào các căn cứ của lực lượng quân đội trung thành với ông Gaddafi.
Vì vậy, các cuộc không kích của phương Tây có thể sẽ phải kéo dài nếu họ chưa đạt mục tiêu. Theo nhiều nhà quân sự, việc thiết lập vùng cấm bay được xem là biện pháp quân sự khá yếu. Vùng cấm bay tại miền Nam Iraq những năm 1990 đã tỏ ra vô tác dụng.
Nếu muốn đạt mục tiêu lật đổ Tổng thống Gaddafi nhanh hơn nữa, phương Tây sẽ phải tăng viện trợ vũ khí cho lực lượng nổi dậy. Điều này trên danh nghĩa sẽ vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ với Libya. Nội các Anh cũng tỏ ra thận trọng với việc tăng hỏa lực hỗ trợ lực lượng nổi dậy Libya. Các chuyên gia quốc tế nhận định rằng Tổng thống Gaddafi sẽ không từ chức một cách tự nguyện, lực lượng nổi dậy cũng sẽ không chấp nhận điều gì khác ngoài việc ông Gaddafi phải ra đi. Tình trạng này sẽ dẫn đến một cuộc nội chiến kéo dài. Đây là kịch bản dễ thấy nhất tại Libya.
Chuyên gia lịch sử của Mỹ, ông Stephen Sniegoski, cho rằng nếu quá thiên về ủng hộ lực lượng nổi dậy lật đổ Gaddafi, xem như Mỹ và phương Tây đã trực tiếp tham chiến cùng lực lượng này chống Gaddafi và Mỹ có nguy cơ sa lầy tại đây, cùng lúc tạo nên một Chính phủ Libya chống Mỹ mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, những năm qua, ông Gaddafi không hề đe dọa nước Mỹ.
Thụy Vũ