Cựu binh Trường Sơn chống “giặc nghèo”

Bằng ý chí và nghị lực, rất nhiều người lính Trường Sơn năm xưa đã vượt qua khó khăn thử thách để vươn lên trong cuộc sống, chiến thắng đói nghèo, đồng thời giúp đỡ đồng đội để xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống. Đây là nhận xét của Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam tại buổi sơ kết cuộc vận động Chiến sĩ Trường Sơn làm kinh tế giỏi diễn ra ngày 15-5, tại Hà Nội.
Cựu binh Trường Sơn chống “giặc nghèo”

Bằng ý chí và nghị lực, rất nhiều người lính Trường Sơn năm xưa đã vượt qua khó khăn thử thách để vươn lên trong cuộc sống, chiến thắng đói nghèo, đồng thời giúp đỡ đồng đội để xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống. Đây là nhận xét của Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam tại buổi sơ kết cuộc vận động Chiến sĩ Trường Sơn làm kinh tế giỏi diễn ra ngày 15-5, tại Hà Nội.

Báo SGGP và VietinBank bàn giao nhà tình nghĩa tặng cựu chiến sĩ Trường Sơn ở xã Thạch Bình, Hà Tĩnh. Ảnh: T.L.

Báo SGGP và VietinBank bàn giao nhà tình nghĩa tặng cựu chiến sĩ Trường Sơn ở xã Thạch Bình, Hà Tĩnh. Ảnh: T.L.

Mặc dù cuộc vận động chỉ mới được triển khai hơn 1 năm nhưng đã nhận được sự hưởng ứng ích cực của đông đảo hội viên, bước đầu đã khơi dậy và phát huy được tinh thần, nghị lực và ý chí quyết tâm vượt khó vươn lên, tinh thần tương thân, tương ái trong hội viên cả nước. Đáng mừng là từ sản xuất tới các hoạt động thương mại, dịch vụ, giáo dục, dạy nghề… lĩnh vực nào cũng có hội viên Trường Sơn tham gia với nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, vượt khó vươn lên. Đối với người dân ở phường Nghi Tân (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) không ai không biết gia đình bác Ngô Văn Hằng là cựu chiến sĩ Trường Sơn có vợ là TNXP chống Mỹ. Hai vợ chồng bác Hằng đều đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn nỗ lực xóa đói giảm nghèo. Sau nhiều năm học hỏi, tìm tòi và tiếp thu được kỹ thuật, công nghệ nuôi cá lóc trong bể cạn, chỉ với 200m2 sân vườn, ông bà đã cùng với người con dâu xây dựng một hệ thống bể cạn nuôi cá lóc, thu mỗi năm gần 10 tấn cá thương phẩm với lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Còn bác Đỗ Thị Mậu (ở xã Khánh Dương, Yên Mô, Ninh Bình), dù bị nhiễm chất độc da cam, bệnh tật giày vò nhưng vẫn cùng gia đình vượt lên nỗi đau, dồn góp công sức, vốn liếng của gia đình để xây dựng cơ sở chăn nuôi gia cầm. Nhờ đó không những đảm bảo cho gia đình có thu nhập và mức sống khá, bác Mậu còn dành một phần thu nhập cho đồng đội vay vốn không lấy lãi để phát triển kinh tế gia đình.

Anh hùng LLVT nhân dân Phan Văn Quý, nguyên là chiến sĩ lái xe Trường Sơn, Sư đoàn F471, sau khi hoàn thành quân ngũ trở về với đời thường, luôn trăn trở và nung nấu ý chí phải làm việc gì đó để đóng góp cho xã hội và tri ân những người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Năm 2001, anh Quý đã thành lập công ty tư nhân. Từ chiến trường đến với thương trường gặp muôn vàn khó khăn, có thời điểm công ty của anh đã đứng bên bờ vực thẳm. Nhưng với bản lĩnh của người lính đã được tôi luyện trong chiến tranh, anh quyết không lùi bước, tìm tòi sáng tạo để vượt qua thử thách, tái cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh. Hôm nay, công ty của anh Quý đã trở thành Tập đoàn Thái Bình Dương kinh doanh trên 3 lĩnh vực: công nghiệp, tổng thầu xây lắp và bất động sản. Nhờ sự năng động, sáng tạo và luôn giữ uy tín trong kinh doanh nên Tập đoàn Thái Bình Dương là một thương hiệu mạnh trong nước và quốc tế. Từ năm 2001 đến nay, anh Quý đã tài trợ, ủng hộ các tổ chức, cá nhân, các hoạt động xã hội, từ thiện hơn 32 tỷ đồng cho các hoạt động tình nghĩa, giúp đỡ đồng đội và cộng đồng.

Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam chia sẻ, cuối năm 2012, Trung ương hội đã quyết nghị mở cuộc vận động “Chiến sĩ Trường Sơn sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống” nhằm phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng trong chiến đấu trước đây vào mặt trận xây dựng, phát triển kinh tế hiện nay để xóa đói nghèo, làm giàu cho mình và góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước. Sau hơn 1 năm, cuộc vận động đã thu được nhiều kết quả thiết thực, phong trào vượt khó làm giàu, thi đua làm kinh tế giỏi và chia sẻ, giúp đỡ đồng đội trong tổ chức hội ở nhiều địa phương rất sôi nổi, đạt nhiều kết quả tốt. Từ năm 2013 đến nay, các tổ chức hội đã vận động các hội viên được gần 5 tỷ đồng cho các hoạt động tình nghĩa, tri ân giúp đỡ đồng đội. Nhiều tổ chức hội còn vận động hội viên dành hàng tỷ đồng giúp đỡ các gia đình hội viên nghèo vay vốn để sản xuất kinh doanh không lấy lãi. Đồng thời, hội đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ 62,3 tỷ đồng để giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam, gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Bằng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của hội viên và sự trợ giúp tích cực của đồng đội, cộng đồng, thời gian qua, không còn gia đình hội viên nào thiếu đói; 1.619 hộ đã vươn lên thoát nghèo, 2.058 hộ cận nghèo đã có được thu nhập và mức sống ổn định và gần 2.000 hộ đã được giúp đỡ cải thiện về điều kiện nhà ở, phương tiện sinh hoạt.

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, cuộc thi viết “Ký ức Trường Sơn” đã nhận được 1.204 bài viết của 232 tác giả là cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn. Ban tổ chức cuộc thi đã lựa chọn, trao 3 giải nhất, 6 giải nhì, 11 giải ba, 18 giải khuyến khích cho 3 thể loại: truyện, ký, thơ.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục