Đà Nẵng dự kiến thêm 10 ngày thực hiện “ai ở đâu ở đó”

Chiều 24-8, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Đà Nẵng tổ chức họp báo về các hoạt động phòng, chống dịch trong thời gian tới. Đà Nẵng dự kiến tiếp tục siết chặt  giãn cách xã hội theo nguyên tắc “ai ở đâu ở đó” sau 8 giờ ngày 26-8.

Điểm cung ứng nhu yếu phẩm phục vụ người dân tại quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng)
Điểm cung ứng nhu yếu phẩm phục vụ người dân tại quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng)

Tăng nguồn lực cho đơn vị cung ứng

Liên quan đến vấn đề cung ứng nhu yếu phẩm, theo bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, khi TP Đà Nẵng áp dụng Quyết định 2788 đa phần người dân đã có dự trữ lương thực, thực phẩm nên tình hình cung ứng cơ bản tạm ổn. Tuy nhiên, từ 22-8 đến nay, nhu cầu đặt hàng của người dân có tăng đột biến và có nhiều phản ánh phàn nàn về đặt hàng gây áp lực cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi.

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng
“Lường trước điều này, UBND TP Đà Nẵng đã tham mưu HĐND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ cho hơn 142.000 hộ dân (hơn 71 tỷ đồng) cho người dân khó khăn. Trong đó, trích 25 tỷ mua 50.000 suất hàng (500.000 đồng/suất) để hỗ trợ người dân. Còn lại giao kinh phí cho UBND các quận huyện với số tiền 46 tỷ đồng để hỗ trợ cho hơn 92.600 hộ dân còn lại (30,4% tổng hộ dân)”, bà Thương cho biết.

Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng cũng cho phép các shipper của các đơn vị cung ứng được phép giao hàng với điều kiện đảm bảo phòng chống dịch để giảm tải cho ban điều hành tại tổ dân phố, nhân viên các siêu thị, rút ngắn thời gian quá trình vận chuyển.

Hiện chợ truyền thống chưa thể hoạt động được do nguy cơ lây nhiễm rất cao. Các cửa hàng tạp hóa phải tạm thời đóng cửa vì đây là nơi không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Ngành Công thương đã huy động tất cả các đơn vị đầu mối lớn, những đơn vị phân phối lớn, kể cả Hội Doanh nhân Trẻ để tham gia vào việc cung ứng hàng hóa đến từng hộ dân. Trong ngày 24-8, triển khai 8 xe bán hàng lưu động tại quận Sơn Trà và Liên Chiểu. Một số đơn vị đã tổ chức hơn 15 điểm bán hàng tại các quận, huyện, đáp ứng một phần nhu cầu của người dân.

Trong 10 ngày đến, TP Đà Nẵng có chủ trương nâng số lượng nhân viên làm việc tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi lên đến 60% và cho phép không làm việc “3 tại chỗ” để duy trì lực lượng đảm bảo hiệu suất làm việc, đảm bảo đủ nhân lực để tổ chức soạn hàng, giao hàng cho người dân. Huy động đội ngũ shipper công nghệ, nhân viên giao nhận chuyên nghiệp (sẽ được tiêm vaccine) được hoạt động thông qua ký hợp đồng với các đơn vị siêu thị, đơn vị phân phối để đảm bảo việc giao nhận. Lò mổ dự kiến hoạt động trở lại.

Tối ưu hóa thông điệp 5K+

Theo báo cáo của Sở Y tế TP Đà Nẵng, tính từ ngày 3-5 đến nay, TP Đà Nẵng đã có 3.149 trường hợp mắc Covid-19, tất cả các trường hợp nhiễm bệnh đều được đưa vào các cơ sở y tế để quản lý theo dõi và điều trị. Hiện, Đà Nẵng đang điều trị 1.820 người nhiễm bệnh, trong đó có 57 trường hợp bệnh nhân nặng và 27 trường hợp rất nặng đang điều trị hồi sức tích cực, đã cho ra viện 1.329 trường hợp và 21 ca tử vong.

Tiếp tục thực hiện "ai ở đâu ở đó" sau 8 giờ ngày 26-8
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, hiện ngành y tế  đang lấy mẫu chủ yếu theo hình thức là 100% đại diện hộ gia đình và toàn bộ người dân khu phong tỏa. Trong vòng 8 ngày, Sở đã lấy mẫu được khoảng 1 triệu người. Tuy nhiên, bà Yến cho rằng biến thể Delta có nguy cơ lây nhiễm rất lớn và thời gian ủ bệnh là 14 ngày vì vậy phải qua thời gian đó mới đánh giá được hiệu quả của việc thực hiện Quyết định 2788.

“Phải sau ngày 26-8 khi có kết quả của lần xét nghiệm thứ ba thì mới có thể đánh giá được rõ hơn về nguy cơ của TP Đà Nẵng. Mặc dù với 2 đợt xét nghiệm trước, chúng ta đã bóc tách nhiều ca F0 ra khỏi cộng đồng, phát hiện những vùng nguy cơ mà nếu kéo dài thì khó mà kiểm soát. Hiện chúng ta vẫn đang ở trong vùng nguy cơ”, bà Yến nhìn nhận.

Nếu áp dụng sống chung với dịch bệnh, theo Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cần phải tối ưu hóa những thông điệp 5K+ (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế- Kính chống giọt bắn) một cách nhuần nhuyễn, liên tục mới kiểm soát được tình hình. Hiện TP Đà Nẵng đã tiêm vaccine được 138.294 lượt người/826.000 người, trong đó người tiêm mũi 2 chiếm tỷ lệ 16% và chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực đẩy nhanh tốc độ khi có nguồn phân bổ về địa phương.

Kết luận tại buổi họp, theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, dự kiến sau 8 giờ ngày 26-8 sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt phòng, chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội với nguyên tắc “ai ở đâu ở đó”, theo tinh thần Chỉ thị số 05/CT-UBND và Quyết định số 2788/QĐ-UBND.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng 
Căn cứ kết quá xét nghiệm lần 3, TP Đà Nẵng sẽ phân chia các vùng có mức độ nguy cơ khác nhau để áp dụng các biện pháp phù hợp. Cụ thể, vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ) là vùng cách ly tuyệt đối. Vùng nguy cơ và nguy cơ cao (vùng vàng) là vùng thực hiện các biện pháp theo Quyết định 2788/QĐ-UBND, bổ sung một số hoạt động được phép thực hiện nhằm đảm bảo việc cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân; các nhà máy, cơ sở sản xuất được hoạt động với tối đa 30% số người làm việc, đảm bảo “3 tại chỗ”; cơ quan công sở bố trí tối đa 10% số người làm việc và thay đổi người làm việc trong 10 ngày trước.

Đối với vùng nguy cơ thấp (vùng xanh), Chủ tịch UBND cấp quận, huyện áp dụng các biện pháp theo Chỉ thị số 05/CT-UBND và một số hoạt động theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Ngoài ra, phát động phong trào thi đua bảo vệ và mở rộng vùng xanh trong khu dân cư. Các công trình xây dựng trọng điểm được phép hoạt động khi đảm bảo “3 tại chỗ”.

Đến nay, TP Đà Nẵng vẫn ghi nhận số lượng ca mắc Covid-19 cao, từ 150 đến gần 200 ca mỗi ngày trong đó có hàng chục ca cộng đồng. Đồng thời, phát hiện các điểm nóng ở một số phường của quận Hải Châu và quận Cẩm Lệ.

Tối cùng ngày, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết, TP Đà Nẵng tiếp tục thực hiện những biện pháp mạnh, “ai ở đâu ở đó”, chỉ cho một vài hoạt động trở lại trong khoảng 10 ngày nữa.

Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, 9 ngày thực hiện biện pháp “ai ở đâu ở đó” vừa qua là khoảng thời gian quý giá để thành phố tập trung công tác phòng, chống dịch; xét nghiệm sàng lọc tất cả các hộ gia đình, phát hiện ra nhiều F0 để điều trị. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn  phức tạp. Vì vậy, trong những ngày đến, TP Đà Nẵng tiếp tục thực hiện những biện pháp mạnh, “ai ở đâu ở đó”, chỉ cho một vài hoạt động trở lại, trên tinh thần kiểm soát, bảo đảm yêu cầu về công tác phòng, chống dịch với dự kiến kéo dài thêm 10 ngày nữa.

Đà Nẵng dự kiến thêm 10 ngày thực hiện “ai ở đâu ở đó” ảnh 4 Họp Ban Chỉ đạo tối 24-8
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, tại các kiệt, hẻm nhỏ khi có 1 ca F0 xuất hiện thì sau đó gần như tất cả những nhân khẩu ở đây đều trở thành F0. Do đó, các phường phải rà soát lại các kiệt, hẻm để tiến hành thực hiện chốt chặn. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát tại những khu vực này để giám sát người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

“Nếu các địa phương không nghiêm túc thực hiện cách ly nhà với nhà thì nguy cơ lây nhiễm, trở thành ổ dịch rất lớn”, ông Quảng nhấn mạnh.

Ông Quảng cũng đề nghị Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Đà Nẵng có những chỉ đạo, phân tích cụ thể để các địa phương xử lý ngay các ổ dịch, tránh tình trạng lây lan ra khu vực xung quanh. 

Tin cùng chuyên mục