Đà Nẵng: Nâng tầm chất lượng cấp cứu ngoại viện

Tại Đà Nẵng, công tác cấp cứu không chỉ được nâng tầm với quy trình cấp cứu trước viện cho bệnh nhân đột quỵ não theo chuẩn thế giới mà còn được cải tiến khi áp dụng công nghệ số giúp rút ngắn thời gian cấp cứu, tăng tỷ lệ sống cho người bệnh. 
Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đã quản lý chất lượng quy trình báo động đỏ trước viện, rút ngắn thời gian đối với cấp cứu đột quỵ não chỉ 35 phút. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đã quản lý chất lượng quy trình báo động đỏ trước viện, rút ngắn thời gian đối với cấp cứu đột quỵ não chỉ 35 phút. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ngay khi tiếp nhận cuộc gọi đến tổng đài, êkíp bác sĩ, điều dưỡng Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đã nhanh chóng tiếp cận người bệnh. Qua đánh giá, êkíp xác định bệnh nhân có những dấu hiệu đột quỵ não, ngay lập tức quy trình cấp cứu trước viện được kích hoạt ngay tại hiện trường.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thắm, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đang thực hiện quy trình. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thắm, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đang thực hiện quy trình. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo điều dưỡng Nguyễn Thị Thắm, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng, khi cấp cứu đối với bệnh nhân bị đột quỵ, một điều dưỡng cần phải thao tác nhanh chóng kịp thời phối hợp bác sĩ.

“Chúng tôi triển khai sơ cứu ban đầu như kiểm tra huyết áp, xác định đường máu của bệnh nhân. Nếu huyết áp cao, bác sĩ cho y lệnh dùng thuốc, thở oxy thì chúng tôi sẽ triển khai ngay…”, điều dưỡng Thắm nói.

Êkíp Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng cấp cứu trước viện cho một bệnh nhân đột quỵ não theo chuẩn thế giới. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Êkíp Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng cấp cứu trước viện cho một bệnh nhân đột quỵ não theo chuẩn thế giới. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Bác sĩ Lê Đình Long, nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng cho biết, quy trình cấp cứu bệnh nhân đột quỵ cũng sẽ tuân theo quy trình của Bộ Y tế. Cụ thể, khám về yếu liệt, nói khó, méo miệng thì đó là những dấu hiệu sớm nhận biết của bệnh đột quỵ. Nhiều bệnh nhân khi được thông báo trước viện, khi được cấp cứu theo quy chuẩn như vậy thì sẽ đến viện rất nhanh và sớm. Sự phối hợp nhịp nhàng cấp cứu trước viện của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng và các khoa điều trị chuyên sâu sẽ giảm được cho bệnh nhân các biến chứng về sau.

“Đơn vị cũng có kênh riêng thông báo nhóm đột quỵ cũng như báo cho Bệnh viện Đà Nẵng- nơi tiếp nhận. Thời gian cấp cứu khi đơn vị nhận ca cấp cứu bệnh nhân trong vòng 35 phút. Càng rút ngắn được thời gian, bệnh nhân càng được hưởng lợi nhiều. Tỷ lệ tử vong giảm rất nhiều”, bác sĩ Long cho hay.

Theo quy chuẩn của Hội Đột quỵ thế giới, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đã quản lý chất lượng quy trình báo động đỏ trước viện, rút ngắn thời gian đối với cấp cứu đột quỵ não chỉ 35 phút để bệnh nhân được giảm thiểu di chứng. Chẩn đoán đúng, lựa chọn cơ sở điều trị phù hợp, thu thập tiền sử và thông báo trước cho bệnh viện là những yếu tố cốt yếu góp phần điều trị đột quỵ não hiệu quả.

Bác sĩ Ngô Thị Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa huấn luyện, vừa đào tạo các kỹ năng, vừa thực hiện các thao tác ngay cả khi xe cấp cứu đang di chuyển vẫn thực hiện các thao tác cấp cứu cho người bệnh. Đây là một trong những biện pháp cải thiện để rút ngắn thời gian cấp cứu cho người bệnh.

“Trung tâm đặc biệt chú trọng trong công tác huấn luyện đào tạo, đây là vấn đề chung cho tất cả hệ thống cấp cứu ngoại viện. Tất cả bác sĩ, điều dưỡng phải đều thạo những kỹ năng cấp cứu ban đầu, các quy trình của Bộ Y tế ban hành mà trung tâm được phép thực hiện. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên tổ chức kiểm tra tay nghề để có sự rèn luyện kỹ thuật của từng cá nhân cũng sự phối hợp trong êkíp”, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng cho biết.

Vừa qua, Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trong cả nước được Hội Đột quỵ thế giới trao giải thưởng EMS Angels về quản lý chất lượng chăm sóc trước viện bệnh nhân đột quỵ não.

Trong 30 phút một bệnh nhân đột quỵ có thể được cứu sống, chết hoặc tàn tật vĩnh viễn nếu không được đưa đến đúng các bệnh viện có điều trị đột quỵ. Do vậy, công tác huấn luyện cho các êkíp cấp cứu đột quỵ não ngoại viện được cập nhật thường xuyên theo phác đồ FAST. Hiện Đà Nẵng có 5 bệnh viện có chuyên khoa và điều trị chuyên sâu về đột quỵ não. Việc cấp cứu ngoại viện sớm giúp giảm gánh nặng điều trị và mang lại cơ hội sống cho người bệnh.

Hệ thống mạng lưới cấp cứu trước viện thuộc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Hệ thống mạng lưới cấp cứu trước viện thuộc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Không chỉ vậy, TP Đà Nẵng đã triển khai ứng dụng công nghệ định vị chính xác địa chỉ để phục vụ cấp cứu và điều hành cứu nạn, cứu hộ. Với ứng dụng này, người dân khi cần hỗ trợ cấp cứu, chỉ cần sử dụng nền tảng Hành trình số của TP Đà Nẵng yêu cầu và Tổng đài 115 sẽ biết chính xác vị trí trên bản đồ số, điều hành xe 115 phù hợp, đến chính xác vị trí.

Định vị chính xác trên nền tảng Hành trình số của TP Đà Nẵng (giao diện của Trung tâm cấp cứu 115). Ảnh: XUÂN QUỲNH
Định vị chính xác trên nền tảng Hành trình số của TP Đà Nẵng (giao diện của Trung tâm cấp cứu 115). Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng cho biết, ứng dụng này chính xác vị trí đến từng ô trên bản đồ 3mx3m. Đặc biệt, ứng dụng có hiệu quả áp dụng cho các khu vực dân cư, hẻm (mà không/chưa có địa chỉ), các khu vực rộng lớn chỉ có 1 địa chỉ chung (như rừng, bãi biển, sân vận động, công viên…). Từ đó, ứng dụng rút ngắn được thời gian tiếp cận hiện trường và ứng cứu người dân nhanh chóng, kịp thời.

Tin cùng chuyên mục