Đà Nẵng: Nhiều giải pháp để cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân

Trước thông tin tiếp tục kéo dài phương châm “ai ở đâu ở đó” thêm 10 ngày, tại TP Đà Nẵng, các địa phương cùng với sở ban, ngành các cấp nỗ lực tìm nhiều giải pháp khác nhau để việc cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân được tốt hơn.

Những ngày thành phố thực hiện “ai ở đâu ở đó”, như nhiều tổ trưởng khác, ông Trần Hùng (SN 1967, Tổ trưởng tổ dân phố số 2, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) đã tham gia tích cực vào việc đi mua thực phẩm cho người dân.

Tổ trưởng thuộc 3 phường giáp ranh có thẻ nhận diện thì mới được vào cổng
Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc đặt hàng online đã khiến ông rơi vào các tình huống “dở khóc dở cười” và nhận rất nhiều phàn nàn từ người dân. Ông Hùng không thể “phân trần” với họ vì đôi khi liên hệ đặt hàng lại không ai bắt máy, hay dù đơn đã được đặt từ 2, 3 ngày trước nhưng vẫn không thấy hàng và cũng không có ai giải thích lý do. Hơn nữa, chất lượng của các đơn hàng khi đến tay người dân chưa đảm bảo.

Từ ngày 23-8, mô hình siêu thị di động được hình thành tại “điểm nóng” quận Hải Châu phục vụ nhu cầu nhu yếu phẩm cho người dân 3 phường gồm phường Hòa Thuận Tây, một phần phường Hòa Cường Bắc và một phần phường Hòa Cường Đông. Trong lần đầu trải nghiệm “dịch vụ” mới, ông Hùng không giấu được niềm vui.

tổ trưởng có thể xem mặt hàng giúp dân
“Những gian hàng như thế này sẽ giúp tôi có thể lựa chọn những sản phẩm chất lượng cho người dân. Hơn nữa, mình sẽ biết được những cái gì có để mua, chứ đặt online mình không thể biết được chất lượng hàng sao, có hay không”, ông Hùng cho biết.

Theo ông Lê Tất Trung Hải, Giám đốc chuỗi siêu thị 5T Market, quản lý siêu thị di động ở quận Hải Châu, hiện đơn vị đang triển khai 7 siêu thị di động ở hai quận Sơn Trà và Hải Châu. Trong đó, có 2 điểm ở phường Phước Mỹ, 3 điểm ở phường Nại Hiên Đông, 1 điểm ở Thọ Quang nằm ngay trong khu cách ly y tế, cùng thuộc quận Sơn Trà và 1 điểm tại quận Hải Châu.

Tại mỗi điểm bán sẽ có từ 3-5 người bán với lưu lượng hàng hóa rơi vào khoảng 3 tấn thịt, hơn 1 tấn cá, 4 tấn rau củ, một số mặt hàng đáp ứng cho bà con như bột mì, bột gạo,… đáp ứng được 80-90% bữa ăn cho người dân. Những nhân viên này đều đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”.

nhân viên siêu thị di động đảm bảo điều kiện 3 tại chỗ
Cũng theo ông Hải, trước đây, TP Đà Nẵng nỗ lực thử nghiệm nhiều mô hình khác nhau trong việc cung ứng thực phẩm cho người dân, đặc biệt trong thời gian quận Sơn Trà thực hiện phong tỏa. Tuy nhiên, các mô hình đều có những ưu và nhược điểm. Khi siêu thị lập điểm bán di động hầu như đáp ứng chất lượng tương xứng nhu cầu của người dân, họ có thể thông qua những tổ trưởng để được kiểm tra chất lượng sản phẩm.

“Quận Sơn Trà đã thực hiện việc phong tỏa cách đây 1 tháng nên có rất nhiều kinh nghiệm. Chúng ta từng áp dụng nhiều mô hình, mô hình đầu tiên là chia tuần suất của hộ gia đình, mỗi ngày 1 tổ 200-300 suất và sẽ đặt qua nhà cung cấp, nhưng không thể thực hiện được vì một đơn hàng 20-30 món, một món mỗi người mua 3-5 lạng, rồi đơn vị tính không thống nhất,… nên không thể đáp ứng nổi mô hình đấy. Mô hình thứ 2 là mô hình combo, nó tiện lợi là nhà cung cấp có thể soạn đơn hàng nhanh, nhưng mình phục vụ theo nhu cầu nên không thể một tuần có combo như nhau mãi được”, ông Hải cho biết.

Tổ trưởng tổ dân phố đều mặc bảo hộ như nhân viên y tế
Theo bà Phan Thị Thắng Lợi, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, để có thể mua được hàng hóa, người dân sẽ viết yêu cầu theo từng món, các tổ trưởng sẽ tổng hợp tất cả các đơn hàng của người dân trong tổ lại và siêu thị sẽ chỉ nhận một đơn tổng duy nhất.

“Các tổ trưởng sẽ được hẹn giờ đến, bố trí ghế ngồi chờ giãn cách, yêu cầu phải mặc đồ bảo hộ y tế thì ở đây mới tiếp, còn không nhân viên bảo vệ ở đây sẽ không cho vào. Đối với lực lượng nhân viên tại siêu thị thì yêu cầu 3 ngày test Covid-19 một lần, các yêu cầu về công tác phòng, chống dịch công ty phải đảm bảo với địa phương thì mới được phép hoạt động, nếu không đảm bảo thì chính quyền sẽ yêu cầu dừng”, bà Lợi cho biết.

Cũng theo bà Lợi thì nhà cung ứng đã có với cam kết với UBND TP Đà Nẵng và Sở Công thương Đà Nẵng những vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm, giá cả, vì vậy người dân có thể yên tâm về vấn đề đó.

“Chúng tôi rất muốn nhân rộng các siêu thị này vì việc đáp ứng nhu cầu của các siêu thị này với người dân là rất tốt. Tuy nhiên việc chọn địa điểm sao cho phù hợp, an toàn để đưa siêu thị di động vào là rất khó vì hiện này số ca nhiễm trên địa bàn quận tăng nhanh vì vậy chúng tôi rất đắn đo trong việc lựa chọn địa điểm. Sẽ cố gắng mở thêm 1 siêu thị gần trung tâm quận để đáp ứng nhu cầu cho người dân trung tâm quận”, bà Lợi chia sẻ.

Mặt khác, 4 điểm bán hàng lưu động bình ổn giá tại quận Sơn Trà và quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) mở bán với nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân từ chiều 24-8. Cụ thể gồm: Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (phường Mân Thái, quận Sơn Trà); chung cư nhà số 4 (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà); nhà văn hóa tổ 5 (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) và tại chợ Vật Tư (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu).

Nhân viên bán hàng mặc trang phục bảo hộ 
Ông Hà Đức Hùng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng cho biết, điểm bán hàng lưu động sẽ mở bán từ 14 giờ đến 17 giờ với nhiều mặt hàng thiết yếu như: cá dìa, tôm, cá khô, xà phòng, sữa, trứng, miến khô, bún khô… và một số thực phẩm tươi, thực phẩm khô. Các điểm bán nhận đặt hàng thông qua các tổ dân phố để chuyển về tận tay người dân.

"Chúng tôi cung cấp cho bà con với giá gốc của nhà cung ứng để một phần nào đó chia sẻ với bà con vượt qua đại dịch. Hôm nay thử nghiệm, chúng tôi mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu", ông Hùng nói và cho biết dự kiến sẽ bán hàng lưu động cho đến khi các nguồn hàng, chuỗi cung ứng khác đáp ứng được cho bà con thì sẽ dừng lại.

Có xe lưu động dễ dàng vận chuyển
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, ngành công thương đã huy động tất cả các đơn vị đầu mối lớn, những đơn vị phân phối lớn, kể cả Hội doanh nhân trẻ để tham gia vào việc cung ứng hàng hóa đến từng hộ dân. Đó là sự nỗ lực rất lớn của TP Đà Nẵng và ngành công thương để đáp ứng phần lớn nhu cầu của người dân. Việc mua hàng, đăng ký hàng cho người dân cũng là một áp lực đối với ngành vì cùng 1 lúc phải huy động tất cả các nguồn hàng hóa thì không phải việc trong 1 sớm 1 chiều. Mong người dân thông cảm và chia sẻ về vấn đề này.

Tin cùng chuyên mục