Đặc sản vào mùa, làng hoa thấp thỏm

Tết Canh Tý 2020 đã cận kề, trong khi các làng nghề sản xuất những mặt hàng phục vụ tết đang tất bật, hoạt động hết công suất thì ở các nhà vườn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại vắng bóng người mua khiến người trồng hoa như đang ngồi trên lửa.
Người dân phơi khô cá khoai Cái Đôi Vàm, Cà Mau, một đặc sản đã được cấp nhãn hiệu tập thể
Người dân phơi khô cá khoai Cái Đôi Vàm, Cà Mau, một đặc sản đã được cấp nhãn hiệu tập thể

Căng thẳng thị trường hoa tết

Theo anh Nguyễn Văn Long, một người có hơn chục năm kinh nghiệm trong nghề trồng hoa ở làng hoa Kim Dinh (TP Bà Rịa), cho biết, năm ngoái thời tiết thất thường nên hoa, nhất là những giống hoa lạ được đặt từ nước ngoài về như ly ly bị chết rất nhiều. Bù lại, thì giá hoa tăng khoảng 20% nên người trồng hoa cũng phần nào bớt đi những tổn thất.

Tuy nhiên, điều mà người trồng hoa lo lắng hơn cả là xuất hiện tâm lý cận tết mới đi chọn hoa để mua được giá rẻ đã khiến không ít nhà vườn ngậm đắng nuốt cay nhổ hoa mang chậu về vì bán cũng chẳng được bao nhiêu. Không giống như những nhà làm hoa kiểng, nếu vụ này không bán thì có thể mang về chăm bón vụ sau mang bán, nhưng hoa tết thì khi đã nở nếu không bán thì chỉ vứt bỏ chứ không thể mang về chăm lại. Hiện tại, nếu như nhà nào chưa có người đến xem, đặt hoa thì nhà đó đang có nguy cơ ế hoa vì chỉ khoảng hơn nửa tháng nữa là hoa phải chuyển đi các nơi để kịp bán.

Tại cánh đồng hoa ở xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, ngoài những loại hoa truyền thống như: vạn thọ, cát tường, cẩm nhung, cúc đại đóa, năm nay các hộ nông dân còn trồng thêm các loại mới như hoa lay-ơn, ly ly. Tuy chi phí đầu tư cao, nhưng các loại hoa này nở nhiều và đẹp, ít sâu bệnh, giá trị kinh tế cao. Còn tại thôn Phước Hải (xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ), một trong những địa chỉ mới chuyển từ trồng rau sang trồng hoa, chủ yếu là cúc đại đóa, nhiều hộ gia đình cho biết, thời tiết năm nay khá tốt, ít sâu bệnh nhưng lại căng thẳng vấn đề thị trường khi nhiều nhà trồng hoa tới nay vẫn chưa có ai tới xem hoa.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm nay toàn tỉnh có 120ha diện tích trồng hoa tết, tập trung tại một số địa phương như TP Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ, huyện Đất Đỏ. Những năm gần đây, nông dân trồng hoa từng bước thay đổi tập quán canh tác, hướng đến phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao, như đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới, phun tưới tự động…

Thuận lợi cho sản phẩm truyền thống 

Tôm khô Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cà Mau và đã được cấp nhãn hiệu tập thể. Đặc sản này được tiêu thụ mạnh vào mùa tết, thị trường mở rộng trên cả nước. Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) tôm khô Tân Phát Lợi (đơn vị được sử dụng thương hiệu tập thể Tôm khô Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), cho biết: “Năm nay giá tôm khô khoảng 1,3 triệu đồng/kg loại 1 (tăng 150.000 đồng/kg so với năm trước). Đó là giá bán của HTX, còn khi các cơ sở bán ra giá sẽ cao hơn. Doanh thu của HTX có thể đạt mốc 10 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi năm ngoái”.

Còn người dân làng nghề ép chuối khô ở Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết, năm nay mùa mưa kết thúc sớm, lại không có mưa trái mùa nên thuận lợi cho nghề ép chuối khô. Bên cạnh đó, giá chuối nguyên liệu đầu vào ổn định, còn giá sản phẩm đầu ra có tăng nên những người làm nghề có lãi khá. Những năm gần đây, ép chuối khô là nghề truyền thống nên không chỉ giải quyết công ăn việc làm mà còn đem lại thu nhập đáng kể cho người dân trên địa bàn xã Trần Hợi. 

Làng khô nơi cửa biển Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) được xem là “thủ phủ” chế biến khô cá khoai của tỉnh Cà Mau. Thông thường, mùa cá khoai tươi để làm khô thường bắt đầu trước tết từ 1 đến 2 tháng và kéo dài đến khoảng tháng 2 (âm lịch). Vào đầu vụ này, cá khoai tươi xuất hiện chưa nhiều nên khả năng sản lượng sẽ thấp hơn năm ngoái (năm vừa rồi nguồn nguyên liệu cá khoai khoảng 1.000 tấn). Ông Tô Trường Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), cho biết, trên địa bàn có khoảng 50 hộ thường xuyên làm cá khô và 10 doanh nghiệp sản xuất, chế biến khô (phần lớn là khô cá khoai). Giá cá khoai khô hiện nay từ 320.000 - 450.000 đồng/kg (tùy loại), cao hơn năm ngoái 15%-20%. Giá cá cao vì nguồn nguyên liệu sụt giảm so với mọi năm.

Ông Tô Trường Sơn cũng cho biết, khô cá khoai Cái Đôi Vàm đã được cấp nhãn hiệu tập thể. Để duy trì và phát huy nhãn hiệu, địa phương đã vận động bà con thành lập HTX, tổ sản xuất. Các khâu sản xuất phải đảm bảo an toàn thực phẩm, không được sử dụng chất cấm trong quá trình sản xuất và bảo quản khô.

Tin cùng chuyên mục