Đại hội đồng AIPA - 42: Đẩy mạnh kỹ thuật số giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường

Tiếp tục Chương trình nghị sự Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 42 (AIPA-42) qua hình thức trực tuyến, ngày 24-8, các đoàn nghị viện thành viên đã thống nhất thông qua các dự thảo nghị quyết.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự Phiên họp Ủy ban Xã hội. Ảnh: TTXVN
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự Phiên họp Ủy ban Xã hội. Ảnh: TTXVN

Vai trò của kỹ thuật số

Ủy ban Xã hội của AIPA đã họp, thảo luận về các dự thảo nghị quyết đệ trình Phiên họp toàn thể thứ 2 Đại hội đồng AIPA-42 xem xét thông qua. Đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, dẫn đầu, dự họp. Ủy ban Xã hội đã xem xét và thông qua 4 dự thảo nghị quyết: Báo cáo Hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy lần thứ 4 (AIPACODD 4) kèm theo Nghị quyết  “Vượt qua những thử thách đương đại và ứng phó hướng tới ASEAN không ma túy”; “Tăng cường hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”; Đưa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu để thực hiện hiệu quả ở cấp quốc gia.

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao các báo cáo và dự thảo Nghị quyết được đưa ra thảo luận. Các đại biểu cho rằng, ứng phó với biến đổi khí hậu là mục tiêu quan trọng và kêu gọi Cộng đồng AIPA cần cùng nhau hành động thực chất hơn nữa. Hiện nay, tình hình đại dịch Covid-19 đang làm trầm trọng hơn các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến suy thoái kinh tế toàn cầu, làm triệt tiêu các nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó các doanh nghiệp, người lao động và các nhóm người dễ bị tổn thương sẽ bị tác động mạnh mẽ. 

Các đại biểu nhất trí về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và khẳng định các Nghị viện thành viên AIPA có tiếng nói chung, thúc đẩy Chính phủ các nước thành viên tăng cường hợp tác bên trong, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với các quốc gia phát triển bên ngoài để thúc đẩy, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới, thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số bao trùm trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, xây dựng..., nhằm kiểm soát, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Thực hiện SDG

Về thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), các đại biểu khuyến nghị các nghị viện thành viên AIPA, Hội đồng nhà nước, chính quyền địa phương và cấp dưới quốc gia nâng cao nhận thức về tiềm năng chuyển đổi của Chương trình nghị sự 2030 và xây dựng đồng thuận quốc gia để hài hòa các mục tiêu phát triển bền vững vào kế hoạch phát triển quốc gia, từ đó tạo ra quyền sở hữu, cam kết và trách nhiệm giải trình. Xem xét việc thiết lập cơ chế giao tiếp và tiếp nhận ý kiến đóng góp giữa cộng đồng, nghị viện, chính quyền dưới quốc gia và địa phương, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân, cũng như xây dựng quan điểm của họ trong khuôn khổ các kế hoạch thực hiện Chương trình nghị sự 2030; thúc đẩy hợp tác giữa các Nghị viện thành viên AIPA để vượt qua các thách thức và thúc đẩy các nỗ lực nhằm đạt được Chương trình nghị sự 2030 vì các lợi ích kinh tế - xã hội, giảm thiểu và phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Tham gia thảo luận tại phiên họp, Đoàn Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Hội đồng Lập pháp Brunei, Ban Thư ký AIPA cùng các nước bảo trợ đã chuẩn bị các dự thảo Nghị quyết; bày tỏ ủng hộ việc Ủy ban Xã hội xem xét thông qua các văn kiện này. Liên quan đến việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030, Đoàn Việt Nam đề xuất bổ sung một số nội dung liên quan đến vai trò của Quốc hội trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững bao gồm: Tuyên bố Hà Nội về “Nghị viện với các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” được Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 thông qua, Bộ Công cụ tự đánh giá vai trò của các Nghị viện trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; thúc đẩy hợp tác nghị viện khu vực trong sản xuất vaccine phòng chống dịch bệnh, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục