Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Bảo hiểm y tế và Dự án Luật Công nghệ cao

Đảm bảo người nghèo được tiếp cận bảo hiểm y tế

“Phải tạo điều kiện cho người dân, nhất là người nghèo được tiếp cận với bảo hiểm y tế (BHYT)”. Đó là quan điểm được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục khẳng định trong phần thảo luận về Luật BHYT sáng 27-5.

Các quy định về BHYT khi quá tả, khi quá hữu!

Các phương án đóng BHYT là nội dung được nhiều ĐB quan tâm nhất. ĐB Dương Thị Thu Hà (Lào Cai) phân vân, mức đóng BHYT bắt buộc 3% hiện hành là quá thấp trong khi các dịch vụ y tế, giá thuốc chữa bệnh tăng cao, nhưng mức này cũng tỷ lệ thuận với chế độ lương của người hưởng lương hiện nay còn thấp. Mức đóng 6% lại cao so với mức lương cơ bản hiện nay. ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) bổ sung, theo báo cáo, số tiền thu BHYT bắt buộc hiện hành chiếm 1/3 ngân sách toàn ngành y tế, chiếm 50%-60% ngân sách khám chữa bệnh. Thực tế bội chi chủ yếu do BHYT tự nguyện, như vậy nếu tăng BHYT bắt buộc từ 3% lên 6% là chưa phù hợp, đặc biệt là khi đông đảo người dân là người lao động có thu nhập thấp.

ĐB Đặng Huyền Thái (Hà Nội) đồng tình với Ủy ban các vấn đề xã hội về mức đóng của BHYT bắt buộc là 5%, mức đóng của đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo bằng 3% lương tối thiểu, như vậy đã là cao hơn rất nhiều so với hiện tại nhằm đáp ứng với chi phí khám, chữa bệnh gia tăng.

Chia sẻ quan điểm này, ĐB Nguyễn Văn Toàn (Thừa Thiên-Huế) phân tích, trong điều kiện đầu tư Nhà nước còn hạn chế thì việc đòi hỏi chất lượng khám, chữa bệnh cao là một bài toán rất khó. Mức thanh toán BHYT theo Thông tư 14 đã gần 15 năm nay là 3.000 đồng/lượt khám bệnh và 10.000 đồng/giường bệnh là quá thấp. Đây là một khó khăn rất lớn cho các cơ sở y tế để bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Do đó, ĐB này ủng hộ xác định mức BHYT trên cơ sở phải điều chỉnh lại mức thu viện phí hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ cần nghiên cứu giảm thu đối với những đối tượng hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên...

Là người trong ngành, ĐB Trần Đông A (TPHCM) cho biết, trong nền kinh tế thị trường và trong một xã hội nhiều thành phần mà khoảng cách giàu, nghèo hiện càng ngày càng rõ thì BHYT toàn dân là phương tiện tốt nhất để mọi người đều có khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở mức độ phù hợp. Để hỗ trợ người nghèo, ĐB đề nghị nên có 2 loại dịch vụ BHYT khác nhau là BHYT cơ bản và bổ sung (dành cho những người có yêu cầu cao và do cơ quan bảo hiểm tư nhân lo). Với BHYT cơ bản, người mua biết được khi mua thì được hưởng những gì. Điều này đòi hỏi phải nhanh chóng hình thành quy trình chuyên môn và hạch toán chi phí chuẩn cho các bệnh thông thường. Có như vậy mới tránh được các khuynh hướng thanh toán khi thì quá tả, khi quá hữu trong thời gian qua làm cho Quỹ BHYT khi thì kết dư, khi thì thâm hụt một số tiền khổng lồ trong thời gian ngắn gây bức xúc trong nhân dân.

Ưu đãi công nghệ cao để đạt hiệu quả cao nhất

Dự án Luật Công nghệ cao (CNC) do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong trình bày trước QH chiều 27-5, bao gồm 6 chương, 38 điều. Ngoài những quy định chung, dự án luật bao gồm 5 chương quy định về ứng dụng nghiên cứu và phát triển CNC; công nghiệp CNC và doanh nghiệp (DN) CNC; phát triển nhân lực CNC; khu CNC và điều khoản thi hành.

Các ý kiến phát biểu tại hội trường của ĐBQH tập trung vào việc xác định danh mục các lĩnh vực CNC, sản phẩm CNC trọng điểm được ưu tiên và phương thức ưu tiên sao cho đạt hiệu quả cao nhất. 

HÀ MY – ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục