Ở các nước phát triển, nhãn xanh được dán trên sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và được chứng nhận là doanh nghiệp xanh. Mục tiêu của việc dán nhãn xanh cho sản phẩm để khuyến khích người tiêu dùng và cả nhà sản xuất hành động tích cực vì môi trường sống.
Theo Tiến sĩ Trần Hồi Sinh, Trường Đại học Sài Gòn, khi thực hiện việc dán nhãn xanh, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có lợi. Với doanh nghiệp, khi thực hiện việc dán nhãn sẽ tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tạo được cảm tình thương hiệu - một lợi thế cạnh tranh bền vững trong lòng người tiêu dùng đô thị. Với người tiêu dùng, khi sử dụng các sản phẩm được gắn nhãn sinh thái sẽ yên tâm về chất lượng và độ an toàn đối với sức khỏe của chính mình. Ngoài ra, người tiêu dùng còn thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội thông qua hành vi tiêu dùng thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, khi người tiêu dùng có các yêu cầu cao về chất lượng, mức độ an toàn đối với sức khỏe con người và môi trường sẽ có tác động thúc đẩy nhà sản xuất, kinh doanh cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Hiện nay ở Việt Nam, các sản phẩm dán nhãn môi trường cũng như cách nhận biết còn chưa rõ và chưa quảng cáo phổ biến đến người tiêu dùng. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn dè dặt trong việc đầu tư công nghệ, để sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu về dán nhãn. Mặt khác, hiện nay các tiêu chí về sản phẩm xanh còn rất hạn chế về mặt số lượng và mới chỉ có đối với một số mặt hàng nhất định. Tuy nhiên, xu hướng toàn cầu hóa, đòi hỏi chúng ta cần phải thay đổi. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh và mất thị phần không chỉ trên thị trường quốc tế mà sẽ phải cạnh tranh trên chính thị trường trong nước, nếu không bắt kịp sự thay đổi để đáp ứng các yêu cầu về luật định và yêu cầu của thị trường về sản phẩm xanh. Chính phủ cần có các hoạt động thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng hội nhập và nâng cao ý thức của người tiêu dùng khi lựa chọn mua sản phẩm. Đồng thời các chính sách và quy định của nhà nước cần rõ ràng và cụ thể hơn nhằm tạo điều kiện để các sản phẩm xanh có chỗ đứng và phát triển.
Có thể thấy rằng, tiêu dùng xanh đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng thế giới. Tại Việt Nam, 5 năm gần đây, phong trào tẩy chay doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ngày càng quyết liệt. Song song đó, phong trào ưu tiên tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường cũng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng chính lúc này, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để người tiêu dùng nhận biết đâu là sản phẩm xanh, sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường? Theo nhiều ý kiến, chỉ có việc dán nhãn chứng nhận cho sản phẩm mới đáp ứng được các yêu cầu hiện nay.
MINH HẢI