Dân “tố” doanh nghiệp được bao che làm càn ở thủy Bầu Châu

Người dân ở thôn Phú Mỹ (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) bức xúc phản ánh việc một doanh nghiệp tư nhân làm trang trại ở phía núi có tục danh thủy Bầu Châu tự ý làm đường, ngăn dòng chảy cắt nước sản xuất khiến cho nhiều diện tích lúa của họ bị ảnh hưởng, không sản xuất được.

Dân "tố" doanh nghiệp làm càn

Ông Nguyễn Văn Dũng (59 tuổi, thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định) phản ánh, trước kia, thủy Bầu Châu vẫn cung cấp nước đầy đủ cho khoảng 20 hộ dân sản xuất lúa 2 vụ ở các cánh đồng có tục danh, đồng Hóc Ông Thìn, Lỗ Lở trong, Lỗ Lở ngoài, Dọc Bầu…

Tuy nhiên, khoảng 4 năm trở lại đây, chính quyền xã Tây Phú cho phép một doanh nghiệp đến bao khoanh làm trang trại. Chủ của doanh nghiệp đã tự ý đúc 3 đường ống ở đầu nguồn chặn chiếm hết nước ở thủy Bầu Châu khiến cho ruộng đồng người dân thiếu nước, thất thu.

“Tôi đang canh tác 18 sào ruộng xưa nay sử dụng nguồn nước thủy Bầu Châu, giờ bị mất nước, làm ruộng rất khó khăn, nguy cơ phải bỏ ruộng. Nhiều lần họp xã, tiếp xúc cử tri, chúng tôi phản ánh nhưng không ai giải quyết giúp”, ông Dũng bức xúc nói.

Người dân thôn Phú Mỹ phản ánh doanh nghiệp chặn, chiếm suối nước khiến ruộng đồng canh tác mất mùa

Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, 53 tuổi (thôn Phú Mỹ) phản ánh, ruộng ở vùng thủy Bầu Châu chúng tôi đều phải đấu giá và trả mỗi sào 30kg lúa cho nhà nước.

“Xưa nay, tôi canh tác ổn định 42 sào đất lúa ở vùng ruộng Lỗ Lở trong, Lỗ Lở ngoài. Khoảng 3 năm nay, doanh nghiệp chặn đầu nguồn thủy Bầu Châu nên trồng lúa thiếu nước, thất thu nặng. Năm rồi, tôi chuyển cả 42 sào đất qua trồng mì nhưng vẫn thiếu nước nên cây mì cũng chết", bà Hạnh lo lắng nói.

Theo phản ánh của người dân, ngoài chặn nguồn nước, chủ doanh nghiệp trên còn làm đường vào trang trại không cho người dân đi chung đường để thu hoạch keo tràm. Chưa hết, doanh nghiệp này còn ngang nhiên xây dựng nhà máy sản xuất mì (đã bị cơ quan chức năng xử lý), đào ao và xây dựng công trình kiên cố trên đất trồng rừng; khai thác đất sét trái phép tại Núi Một (thôn Phú Thọ, xã Tây Phú)…

Dân “tố” doanh nghiệp được bao che làm càn ở thủy Bầu Châu ảnh 2 Doanh nghiệp xây dựng công trình, nhà ở kiên cố trên đất trồng rừng sản xuất, chặn và chiếm nguồn nước đầu nguồn thủy Bầu Châu
“Trang trại đó của ông Trương Hùng Tiến. Từ khi ông Tiến đến bao khoanh, rào thép làm trang trại cũng chiếm phá và làm ảnh hưởng đến 15 sào đất dự phòng của UBND xã Tây Phú dành cho dân đấu thầu sản xuất hàng năm. Chúng tôi nghi ngờ chính quyền xã Tây Phú bao che cho ông Trương Hùng Tiến làm bậy như thế”, ông Trần Văn Sanh, 63 tuổi, đang làm trang trại ở thôn Phú Mỹ tố cáo.

Chính quyền phủ nhận

Ngày 9-7, chúng tôi liên hệ đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Tây Phú. Qua điện thoại, ông Sơn cho biết đang bận họp nên phân công ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú làm việc với phóng viên. Theo yêu cầu của phóng viên, ông Sơn điện thoại trực tiếp cho ông Thành để phân công làm việc với báo chí.

Tuy nhiên, khi phóng đến đặt vấn đề làm việc với ông Thành thì ông này chưa nghe đầu đuôi câu chuyện, chỉ nói gọn lỏn: “Trường hợp ông Tiến (người bị người dân phản ánh - PV) đã được xử lý và đã có báo cáo cho huyện". Ngoài ra, không có giải thích gì thêm nữa. Ông Thành còn nói, việc phát ngôn báo chí phải có công văn, văn bản chỉ đạo cụ thể, chứ Chủ tịch UBND xã gọi điện thoại cũng không được.

Người dân thôn Phú Mỹ bức xúc phản ánh với báo chí việc doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến đất sản xuất lúa của họ dưới chân núi có tục danh thủy Bầu Châu
Ngày 9-7, chúng tôi đành đem những phản ánh của người dân thôn Phú Mỹ đến bàn làm việc của lãnh đạo Văn phòng UBND huyện Tây Sơn. Bà Nguyễn Thị Thống, Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Sơn cho biết, UBND xã Tây Phú chưa hề báo cáo gì về sự việc ở thôn Phú Mỹ.
Bà Thống cam kết sẽ yêu cầu UBND xã Tây Phú báo cáo về sự việc trên để kịp thời phản hồi cho báo chí và người dân. Đến ngày 17-7, Văn phòng UBND Tây Sơn đã gửi phản hồi của ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Tây Phú (báo cáo được lập vào ngày 13-7).

Tuy nhiên, báo cáo của ông Sơn phủ nhận tất cả các phản ánh của người dân về việc doanh nghiệp của ông Trương Hùng Tiến chặn dòng, cắt nước sản xuất ở thủy Bầu Châu, chặn đường thu hoạch keo tràm của người dân ở thôn Phú Mỹ và khai thác đất trái phép.

Rất đông người dân ở thôn Phú Mỹ đến phản ánh, tố cáo doanh nghiệp và cả chính quyền

Trao đổi qua điện thoại với PV Báo SGGP, ông Sơn khẳng định không có chuyện ông cấu kết, bao che cho doanh nghiệp của ông Trương Hùng Tiến như người dân phản ánh. “Mọi việc tôi đã báo cáo và đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Tây Sơn”, ông Sơn nói.

Riêng về phản ánh việc ông Trương Hùng Tiến khai thác đất sét, san lấp trái phép ngoài mỏ đất san lấp tại khu vực Núi Một, ông Sơn cho biết, sau khi có phản ánh, ngày 9-4-2020, UBND xã Tây Phú đã kiểm tra nhưng không phát hiện ông Tiến khai thác đất trái phép như người dân phản ánh.

Bên trong trang trại bị người dân phản ánh, hồ nước với các công trình xây dựng kiên cố trên đất trồng rừng

Sáng ngày 9-4-2020, UBND Tây Phú đã chỉ đạo cho Tổ công tác kiểm tra hiện trường khu vực mỏ đất Núi Một (được cấp cho Công ty TNHH An Trường). Đến nơi, Tổ công tác phát hiện có một chiếc máy múc dán nhãn Công ty An Trường, còn người điều khiển thì không thấy.

Việc này, UBND xã Tây Phú đã lập biên bản kiểm tra và làm việc đối với ông Trần Duy Cường – Giám đốc Công ty TNHH An Trường…, nhưng báo cáo của ông Sơn không nêu cụ thể lỗi vi phạm của doanh nghiệp.

Được biết, Công ty TNHH An Trường được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép khai thác 0,6ha (trữ lượng trên 377 ngàn m3) tại Núi Một. Tuy chưa hoàn thành các thủ tục tiếp theo để chính thức được khai thác khoáng sản thì doanh nghiệp này lại ngang nhiên khai thác với trữ lượng đất rất lớn (đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý).

Tin cùng chuyên mục