Dân trí trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên 70 năm trước

Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời diễn ra chỉ một ngày sau khi Tuyên ngôn Độc lập (3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những nhiệm vụ cấp bách, cũng là đề cập tới một hiện thực đầy khắc nghiệt của đất nước: “Một là nhân dân đang đói... hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói... người thoát chết đói nay cũng bị đói” do vậy phải chống đói bằng tăng gia và tiết kiệm; “Vấn đề thứ hai là nạn dốt... Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ... một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” do vậy phải chống nạn mù chữ; “Vấn đề thứ ba là... chúng ta không có Hiến pháp... nhân dân không được hưởng quyền tự do dân chủ...” do vậy “Chính phủ phải tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...” .

Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời diễn ra chỉ một ngày sau khi Tuyên ngôn Độc lập (3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những nhiệm vụ cấp bách, cũng là đề cập tới một hiện thực đầy khắc nghiệt của đất nước: “Một là nhân dân đang đói... hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói... người thoát chết đói nay cũng bị đói” do vậy phải chống đói bằng tăng gia và tiết kiệm; “Vấn đề thứ hai là nạn dốt... Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ... một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” do vậy phải chống nạn mù chữ; “Vấn đề thứ ba là... chúng ta không có Hiến pháp... nhân dân không được hưởng quyền tự do dân chủ...” do vậy “Chính phủ phải tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...” .

Làm sao để tiến hành một cuộc Tổng tuyển cử với tất cả những cách làm có thể coi là “tiên tiến nhất” đối với những thể chế chính trị của các quốc gia đã có cả trăm năm thực hiện những quyền dân chủ tại một quốc gia vừa thoát khỏi gần một trăm năm là thuộc địa cả đế quốc Pháp, 5 năm dưới ách phát-xít Nhật và cả ngàn năm quân chủ, lại vừa trải qua một nạn đói hủy diệt và đại đa số dân chúng thất học và mù chữ?!

Không chỉ có sự nghi ngờ của những người quen nếp nghĩ tự ti đối với dân tộc của mình và có cả những băn khoăn của những người cách mạng mới chỉ biết phá cái cũ mà chưa từng xây cái mới cho rằng dân trí ta còn thấp có làm nổi cái điều mà thiên hạ bao nhiêu năm phát triển mới làm được. Khi nói về thể lệ bầu cử mà chính phủ đề ra là bình đẳng nam nữ trong quyền bầu cử và ứng cử, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xác nhận rằng như nước Pháp có hàng trăm năm thực hành dân chủ mà mới đây phụ nữ mới được tham gia công việc chính trị, vậy mà nước ta mới độc lập đã thực hành điều đó... Nhưng đồng thời người đứng đầu nhà nước Việt Nam cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng một dân tộc đã gan góc dám đứng lên, bất chấp hy sinh để giành độc lập tự do thì hoàn toàn có được cái quyền và cái năng lực, nói cách khác là đủ dân trí để làm cho cuộc Tổng tuyển cử thành công...

Không chỉ bằng niềm tin lý trí mà cả bằng thực tiễn những gì diễn ra trong quá trình vận động, ngay những người thuộc tầng lớp có tri thức cao, có danh vọng xã hội cũng phải thừa nhận rằng chính người dân lao động bình thường, tưởng chừng thất học, không biết chữ nhưng đã thể hiện những tư chất chuẩn mực cho việc thực thi quyền dân chủ của mình qua cuộc Tổng tuyển cử.

Cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, một học giả uyên thâm và có danh vọng trong giới trí thức tân học đương thời, thành viên của Trường Viễn Đông bác cổ Pháp ở Hà Nội, Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ và sau này trúng cử Quốc hội khóa I rồi được bầu làm Trưởng ban Thường trực (tương tự như Chủ tịch Quốc hội) và cuối cùng đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã đánh giá khi trả lời báo Cứu Quốc khi được hỏi về cảm nhận của cuộc tuyển cử: “Tôi vừa có dịp đi về thăm nhiều vùng nhà quê, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định... Tôi ngạc nhiên nhận thấy dân trí của dân ta bây giờ đã lên cao tới một bậc, trước kia chưa bao giờ dám mong được thế. Từ người già cả cho đến trẻ con, ai cũng luôn luôn nhắc đến chữ Độc lập ở cửa miệng và tỏ ra hiểu nghĩa dân quyền lắm... Dân ta đã tiến hóa bằng một bước nhảy vượt bậc...”, rồi với cảm xúc của một sử gia, Cụ cho rằng: “nhưng thật ra, dân ta làm quen với chế độ dân chủ đã từ lâu lắm. Từ đời Lý, đời Trần, các vua quan có làm gì cũng phải thể theo ý của dân, hỏi ý của dân. Bởi thế, dân ta biết cái quyền của mình lắm và chắc hẳn là biết dùng cái quyền của mình một cách sáng suốt...”. Và để trả lời cho câu hỏi “Tóm lại, theo ý cụ, thì cuộc tổng tuyển cử này đến cũng vừa hợp thời và sự phổ thông đầu phiếu không có gì là cao quá cho trình độ của dân ta?", Học giả Nguyễn Văn Tố xác tín: “Vâng, chính tôi muốn nói như thế ”.

Nhà thơ Cù Huy Cận đã từng dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, là Thứ trưởng Bộ Canh nông của Chính phủ Lâm thời lại là người vào tận Huế nhận lễ thoái vị của Vua Bảo Đại thì cho rằng: “Cuộc phát biểu dân ý đầu tiên của nước Việt Nam này không thể coi là một cuộc thí nghiệm. Dân tộc ta đã bước vào một đời sống mới: nền dân chủ của chúng ta mới dựng lên nhưng đã có những căn bản vững vàng từ trước. Tôi đã có dịp gần gũi nhiều Ủy ban Nhân dân và dân chúng gần đây và nhận thấy rằng nền dân chủ mới đối với dân ta là một sự tất nhiên vậy”.

Luật gia Vũ Đình Hòe, vị trí thức đã nhiệt tình tập hợp lực lượng trí thức phấn đấu cho nền độc lập quốc gia, người đã đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ Lâm thời thì bày tỏ cảm nhận: “Khi sắc lệnh mở cuộc Tổng tuyển cử này mới ban bố ra, chúng tôi lấy làm hơi lo, vì thời gian sửa soạn ít ỏi quá, sợ cuộc tuyển cử mở không kịp trong thời hạn đã định. Nhưng bây giờ thì chúng tôi đã được vững lòng rồi... Chúng tôi lại có thêm được cái sung sướng thấy quốc dân tham gia vào cuộc tổng tuyển cử một cách sôi nổi, hăng hái, đủ tỏ ra rằng cái ý nghĩa quan hệ của cuộc tổng tuyển cử này đối với vận mệnh nước nhà đã được quốc dân hiểu thấu sâu xa...”.

Ông Nguyễn Thượng Đạt, vị chủ bút báo “Tấc Đất” tích cực cổ vũ cho công cuộc tăng giá sản xuất chống đói, phản ảnh tâm tư của mình: “Ngày tổng tuyển cử, ngày lịch sử ấy đã có sức mạnh huy động toàn dân Việt Nam. Đâu đâu người ta cũng bàn đến tổng tuyển cử. Khắp nơi, nhất là ở vùng Nghệ Tĩnh chúng tôi, nhân dân đã sửa soạn tuyển cử từ hơn hai tháng nay rồi. Tôi có thể nói rằng Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam là sự đắc thắng lớn lao đầu tiên của chính thể dân chủ cộng hòa trên nước Việt”.

Còn nhà văn Nguyễn Đình Thi, vị đại biểu Quốc hội trẻ tuổi nhất và được cử làm thư ký phiên họp đầu tiên đã đưa ra nhận xét: “Tổng tuyển cử rất náo nhiệt mà ở các địa phương có vẻ sốt sắng náo nhiệt hơn Hà Nội. Trình độ dân chúng cao: ví dụ như ở Hải Phòng là nơi tôi ra ứng cử, tôi thấy dân chúng bàn soạn, cân nhắc lá phiếu hết sức kỹ lưỡng. Không những thế, dân chúng tỏ ra không thụ động; theo lời một người bạn tôi cũng ra ứng cử thì ở một huyện nhỏ, anh bị một đồng bào nông dân chất vấn về ba nguyên tắc của văn hóa mới: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Dân chúng đã nhận rõ địa vị của mình trong kỳ tổng tuyển cử này như vậy thì không âm mưu nào có thế phá hoại nổi!”...

Chính vì thế, những công dân Việt Nam khởi đầu cho “thời Dân quốc ấy” (lời thơ Xuân Diệu) đã làm nên kỳ tích là bầu ra một Quốc hội đầu tiên tựa thành quả của sự sáng suốt của một Dân tộc. Chỉ qua một kỳ chất vấn đầu tiên, tại kỳ họp thứ hai (10-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những thành viên của Chính phủ phải trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội đã đưa ra một nhận xét tựa như một lời đánh giá của lịch sử: “Chính phủ hiện thời mới thành lập được hơn một năm, hãy còn thanh niên. Quốc hội bầu ra được hơn 8 tháng lại còn thanh niên hơn nữa. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, sắc mắc khó trả lời, đề cập tới tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mệnh nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập?”.

Nhắc hiện thực sống động của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên cách nay tròn bảy thập kỷ cho chúng ta một bằng chứng hùng hồn về tâm thế và ý chí của dân tộc Việt Nam đã vượt lên trên mọi hoàn cảnh của lịch sử để vươn tới tầm vóc như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng thể hiện trong hình tượng rũ bùn đứng dậy... sáng lòa. Nó cũng cho chúng ta một bài học rất thời sự khi đánh giá “dân trí” hoàn toàn không chỉ là học vấn, bằng cấp, địa vị xã hội mà cốt lõi chính là ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội và tinh thần yêu nước, yêu công bằng và lẽ phải.

6-1-2016

DƯƠNG TRUNG QUỐC

Tin cùng chuyên mục