Dâng hương tưởng niệm tại nhà thờ di tích cách mạng gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Chiều 23-2, UBND tỉnh Quảng Bình và UBND Thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1-3-1923 - 1-3-2023) tại Nhà thờ gia đình ở thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn.
Quang cảnh buổi lễ dâng hương nhân 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
Quang cảnh buổi lễ dâng hương nhân 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Dự lễ dâng hương có Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Bí thư Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu, cơ quan Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo khoa học Kỷ niệm 100 ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên; lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 4; Viện lịch sử quân sự, Bộ quốc phòng.

Căn nhà ở quê hương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là di tích lịch sử cách mạng

Căn nhà ở quê hương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là di tích lịch sử cách mạng

Về phía lãnh đạo tỉnh Quảng Bình có ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cao Văn Định, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Thị Hân, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; Trương An Ninh, Bí thư thị ủy Ba Đồn; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, TX. Ba Đồn, huyện Quảng Trạch và đông đảo bà con nhân dân địa phương.

Một tấm bia tri ân những đóng góp to lớn của người mẹ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, cụ Đặng Thị Cấp

Một tấm bia tri ân những đóng góp to lớn của người mẹ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, cụ Đặng Thị Cấp

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, các đại biểu đã ôn lại tiểu sử của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.

Trọn cả cuộc đời với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó nhiều cương vị quan trọng. Đặc biệt, trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, lập nên những chiến công vang dội, để lại những dấu son chói lọi trong lịch sử bảo vệ Tổ quốc.

Các đại biểu tại lễ dâng hương

Các đại biểu tại lễ dâng hương

Khi đất nước hòa bình, thống nhất, trên các cương vị là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ), dù ở cương vị nào Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng luôn cống hiến hết sức lực, trí tuệ với nhiều công lao to lớn trong sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ và vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta.

Những đóng góp to lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý khác.

Đại biểu dâng hương trên trang thờ

Đại biểu dâng hương trên trang thờ

Tại buổi lễ, các đại biểu đã thành kính đặt lẵng hoa, dâng hương và dành phút mặc niệm tưởng nhớ, tri ân những công lao, đóng góp to lớn của Trung tướng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhân dịp này, đoàn công tác của Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn xã Quảng Trung, Thị xã Ba Đồn.

Theo UBND xã Quảng Trung, gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có mẹ là cụ bà Đặng Thị Cấp (mất năm 1982, hưởng thọ 100 tuổi), là một phụ nữ con cháu lãnh binh Cần Vương, sớm đi theo cách mạng. Cụ cố Cấp có 100 người con, cháu, chắt là đảng viên, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 3 người là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy (hoặc tương đương). Nay cả 5 người con trai của bà đều là cán bộ lão thành cách mạng, 2 con là cán bộ hoạt động tiền khởi nghĩa, 4 người con từng nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh, nguyên Phó Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Học viện Hậu cần, là con thứ 6 của cố. Cháu nội của cố là Trung tướng Nguyễn Hữu Cường, nguyên Tư lệnh Quân khu 4. Cố bà có gần 40 cháu tham gia LLVT, trong đó có 13 sĩ quan cấp tá, 12 sĩ quan cấp úy.

Lãnh đạo thị xã Ba Đồn dâng hương trên trang thờ

Lãnh đạo thị xã Ba Đồn dâng hương trên trang thờ

Vào năm 2005, căn nhà của cố Cấp được Đảng, Nhà nước, Chính phủ công nhận là di tích cách mạng. Một tấm bia đá được dựng trong khuôn viên ngôi nhà nhỏ để nhắc các thế hệ nhớ đến một người mẹ kiên cường. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng theo lời mẹ, động viên các con của ông lên đường khi đất nước cần. Chiến tranh đã cướp đi người con trai thứ 4 của ông là Đại đội trưởng pháo binh khi bảo vệ biên giới phía Bắc ngày 18-2-1979, liệt sĩ Nguyễn Tiến Quân.

Tin cùng chuyên mục