Đánh giá lại tính hiệu quả của nghị quyết HĐND

(SGGP). - Ngày 10-10, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm chủ trì hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 18 năm 2013 của HĐND TPHCM về đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND TP trong điều kiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường”. Nhiều đại biểu (ĐB) đề nghị Thường trực HĐND TP nên đánh giá lại giá trị hiệu lực cũng như hiệu quả đi vào cuộc sống của các nghị quyết do HĐND TP ban hành.

(SGGP). - Ngày 10-10, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm chủ trì hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 18 năm 2013 của HĐND TPHCM về đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND TP trong điều kiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường”. Nhiều đại biểu (ĐB) đề nghị Thường trực HĐND TP nên đánh giá lại giá trị hiệu lực cũng như hiệu quả đi vào cuộc sống của các nghị quyết do HĐND TP ban hành.

Cụ thể, ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết nhận định, hầu hết các nghị quyết của HĐND TPHCM ban hành đều sát sườn với cuộc sống người dân. Song thực tế, không ít nghị quyết khi đi vào thực tiễn cuộc sống vẫn chưa được chế tài mạnh. “Vừa qua, HĐND TP khóa VIII ban hành Nghị quyết quy định về giá giữ xe trên địa bàn TPHCM nhưng giữa quy định và thực tế thì một trời một vực. Vì sao như vậy, cần làm rõ nguyên nhân do đâu?”, ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết dẫn chứng.

Nhìn nhận công tác thẩm định nội dung các tờ trình của UBND TP là hết sức quan trọng, ĐB Huỳnh Quốc Cường cho rằng, nếu các ban của HĐND TP thẩm định không tốt thì việc cung cấp thông tin đến ĐB sẽ thiếu chính xác, chưa đầy đủ khiến việc biểu quyết thông qua của ĐB cũng khó khăn. Do đó, ĐB Huỳnh Quốc Cường đề nghị công việc thẩm định cần phải được Thường trực HĐND TP thực hiện kỹ hơn, sâu hơn.

Cũng theo ĐB Từ Minh Thiện, thời gian qua không ít cuộc giám sát, khảo sát do HĐND TP tổ chức có sự trùng lắp giữa các ban, do đó các ban cần có sự bàn bạc, phối hợp chặt chẽ để phân loại nội dung giám sát, đối tượng giám sát và thời gian giám sát cho phù hợp. Để chất lượng cuộc khảo sát hay giám sát cao hơn, ĐB Từ Minh Thiện đề nghị trước khi đi giám sát hay khảo sát các ban và ĐB nên đi thực tế nắm tình hình.

Góp ý cho hoạt động tiếp xúc cử tri, hầu hết ĐB đều đề nghị HĐND TP nên nghiên cứu để thực hiện một hình thức tiếp xúc cử tri mới hơn so với hiện nay theo hướng đa dạng đối tượng và linh động về thời gian. ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết cho rằng đa phần các buổi tiếp xúc diễn ra vào giờ hành chính nên hạn chế một số thành phần cử tri là những cán bộ viên chức, người lao động. Do vậy, HĐND TP cần tính toán giải pháp để trong cơ cấu cử tri tham dự có đầy đủ thành phần. Bên cạnh đó, ĐB Trần Thị Thanh Thúy nêu ra thực tế, một số chất vấn của ĐB không nhận được trả lời thỏa đáng của các sở ngành hoặc chất vấn một đằng trả lời một nẻo.

Đánh giá kết quả sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 18, HĐND TP cho rằng: Mặt mạnh đạt được là HĐND đã tăng cường mối liên hệ chặt chẽ giữa HĐND, ĐB với cử tri qua việc lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri và kịp thời chuyển những ý kiến của cử tri vào kỳ họp. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, trong 1 năm qua tần suất gặp gỡ, tiếp xúc giữa cử tri và ĐB tăng rất nhiều, thậm chí nhiều hơn dù không có HĐND quận, huyện, phường. Ngoài ra, hoạt động giám sát của các ban cũng mạnh hơn, mời các tổ ĐB tham gia. Gần như tuần nào cũng có các cuộc giám sát các cơ quan chuyên môn, hoạt động của UBND quận - huyện. Quanh năm, HĐND TP đều tổ chức giám sát, nội dung sát sườn với cuộc sống người dân, kịp thời nắm bắt ngay những vấn đề phát sinh. “Như vụ trẻ mầm non bị bạo hành, ngay khi xảy ra, Ban VH-XH làm việc ngay với Sở GĐ-ĐT, các ban ngành. Sau đó, HĐND TP ban hành ngay nghị quyết vì xem đây là chủ trương hết sức quan trọng để giải quyết ngay bức xúc của người dân”, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu ví dụ.

Tuy nhiên, Thường trực HĐND TP cũng nhìn nhận mặt hạn chế sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 18 là công tác nắm tình hình và đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của HĐND đôi lúc vẫn chưa kịp thời. Việc mở rộng các thành phần tham dự kỳ họp chỉ mới dừng lại ở đối tượng là cử tri tiêu biểu, chủ tịch HĐND một số xã, thị trấn… chưa hướng đến các đối tượng khác như cựu chiến binh, công nhân lao động, nhà giáo, nhà khoa học, văn nghệ sĩ. Trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, ở một số nội dung các cơ quan, đơn vị trả lời chất vấn chưa đi sâu vào trọng tâm vấn đề, chưa làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục.

* Cùng ngày, tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang), Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng đã tổ chức hội nghị “Trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL lần thứ 22”. Theo HĐND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, thời gian qua, HĐND các tỉnh, thành đã có nhiều nỗ lực thực hiện cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng trên tất cả các mặt công tác, đặc biệt là trong quá trình thực hiện chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Các nghị quyết của HĐND đã tác động tích cực và góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Tại hội nghị, các địa phương đã thảo luận sâu về chủ đề “Một số kinh nghiệm cải tiến, đổi mới trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương thuộc phạm vi, quyền hạn của HĐND các tỉnh, thành phố”, đồng thời, nêu bật kết quả, kinh nghiệm, hạn chế, tồn tại và đề xuất các giải pháp khắc phục, kiến nghị đến các cơ quan chức năng trung ương nhiều nội dung nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND như: Sớm ban hành Luật Giám sát của HĐND; đề nghị hợp nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004...

VÂN ANH - KIẾN VĂN

Tin cùng chuyên mục